Vào TPP: Lo cho nông nghiệp

Nếu làm không khéo, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực, nguyên liệu nước ngoài tràn vào, nông dân sẽ “chết” trước

Nhiều cảnh báo đối với ngành nông nghiệp đã được đưa ra tại hội thảo về thời cơ và thách thức khi Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và tiếp cận mở rộng thị trường nông, lâm, thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức ngày 10-12 ở TP HCM.

Cái gì cũng nhập

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng đối với ngành nông nghiệp, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đem lại nhiều cơ hội lẫn thách thức.

 Vào TPP: Lo cho nông nghiệp - 1

Nguyên liệu tôm phục vụ chế biến xuất khẩu trong nước đang thiếu, doanh nghiệp phải nhập từ Ấn Độ Ảnh: Ngọc Trinh

Về cơ hội, TPP mở cho Việt Nam một thị trường xuất khẩu rộng lớn với nhiều mặt hàng nông nghiệp chủ lực được hưởng mức thuế ưu đãi. Một cơ hội khác lớn hơn là vấn đề đầu tư xuyên quốc gia đi kèm khoa học công nghệ tiên tiến và nâng cao trình độ kỹ năng lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao quy mô phát triển sản xuất, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, tham gia TPP, ngành nông nghiệp sẽ đối mặt nhiều thách thức lớn do phải chịu sức ép cạnh tranh cao hơn với hàng nhập khẩu trên thị trường nội địa.

“Hiện nay, nhiều ngành hàng gia tăng nhập khẩu nguyên liệu thô để chế biến. Nếu không lo ngay từ bây giờ, khi hàng nước ngoài tràn vào sẽ “đánh sập” vùng nguyên liệu trong nước và nông dân sẽ là đối tượng chịu thiệt hại nặng nhất. Do vậy, cần tập trung tổ chức lại sản xuất,  quy hoạch vùng trồng để bảo đảm có nguyên liệu sạch cho doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu. Đây là vấn đề đáng lo hơn nhiều so với việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN hay năng lực quản lý của nhà nước” - ông Nam nhận xét.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, 11 tháng qua, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 6,01 tỉ USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2014 nhưng ở chiều nhập khẩu lại tăng. Ngay cả với tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng DN vẫn phải nhập khẩu thêm nguyên liệu từ Ấn Độ.

Cùng thời gian trên, lượng điều thô Việt Nam nhập khẩu cũng tăng 808.000 tấn, trị giá 1,05 tỉ USD, tăng 47,5% về khối lượng và tăng 74% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014, trong khi khối lượng xuất khẩu chỉ tăng 7,3% và giá trị tăng 19,2% (tương đương 300.000 tấn và 2,18 tỉ USD).

Ngay thị trường tiêu dùng trong nước, dù TPP chưa có hiệu lực nhưng thịt từ các nước TPP, đặc biệt là gà Mỹ, đang khiến ngành chăn nuôi gà trắng điêu đứng. Ông Nguyễn Thanh Phi Long, đại diện Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình, cho biết trước giờ, ức gà nội được đưa vào cơ sở chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, khi đùi gà góc tư của Mỹ giá bán quá rẻ, các cơ sở chế biến mua về lóc thịt chế biến khiến ức gà nội tồn kho hàng đống.

Lơ mơ thông tin hội nhập

Đối với ngành hàng hồ tiêu, dù Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhưng giá bán thấp do chất lượng kém, gần đây một số nhà nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) lại từ chối nhập khẩu do vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho rằng TPP là cơ hội để ngành thay đổi những vấn đề nội tại. Trong đó, việc chưa sản xuất theo chuỗi, chưa kiểm soát được chất lượng là vấn đề hàng đầu.

“Nhà nước cần hỗ trợ thực hiện liên kết ngang, giữa người trồng với nhau thành các HTX để DN có đầu mối liên kết, tạo nên những vùng trồng lớn” - bà Oanh đề nghị.

Ông Lưu Hồng Triển, Chủ tịch CLB Trang trại TP HCM, nêu thực tế các thông tin về hội nhập chỉ đến được với những DN thương mại, chế biến xuất khẩu chứ không tới được nông dân - những người tham gia nuôi trồng trực tiếp. Chính vì vậy, nhiều mặt hàng thừa nhưng nông dân không biết, vẫn tiếp tục đầu tư.

Ông Triển cho biết đã lập trang trại từ năm 2000 ở xã Phú An, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai nhưng đến nay chưa có hệ thống giao thông. “Cảm giác của tôi là mọi thứ hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chuyển biến rất chậm, cứ như vậy thì không thể phát triển được chứ đừng nói gì đến gia nhập TPP” - ông tâm tư.

Khách ngoại chờ mua thịt, trứng

Theo bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, thịt vịt thả đồng, trứng vịt muối, vịt quay được khách hàng các nước, vùng lãnh thổ như Singapore, Malaysia, Hồng Kông ưa chuộng nhưng thực tế DN vẫn chưa xuất khẩu được. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết sẽ xem xét trường hợp cụ thể của DN để tháo gỡ trong thời gian sớm nhất.

TS Lê Thanh Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ NN-PTNT), cho rằng các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam gặp nhiều bất lợi do chưa kiểm soát được dịch bệnh (cúm gia cầm, heo tai xanh,…). Với heo thịt, khi Trung Quốc thiếu, họ vẫn mở cửa nhập hàng của Việt Nam nhưng là đường tiểu ngạch, còn đường chính ngạch thì vẫn cấm.