Vàng: Kênh đầu tư kém hấp dẫn nhất

Đây là nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TBNH.

Ông có thể nói rõ hơn về cơ hội từ các kênh đầu tư trong năm 2015?

Theo tôi, trong năm 2015, đối với các nhà đầu tư (NĐT) chuyên nghiệp thì BĐS là kênh đầu tư khá hấp dẫn. Bởi, từ những tháng cuối năm 2014, thị trường này có sự tăng trưởng khá tốt, và dự báo đà hồi phục tiếp tục trong năm nay. Với việc thị trường BĐS được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố thì đây là kênh đầu tư tiềm năng.

Giá nhà đang ở mặt bằng thấp, trong khi đó nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam rất lớn. Rất nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho phân khúc này, đặc biệt là tác động của NHNN qua các chính sách cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở.

Do đó, thị trường BĐS có cơ hội phát triển tốt trong năm 2015, nhất là phân khúc nhà thu nhập thấp, trung bình. Đã có những dự báo, giá BĐS có thể tăng lên 20% trong năm 2015, nhưng tôi cho rằng không nên quá lạc quan. Theo tôi, giá BĐS có thể tăng 10%.

Đối với TTCK, NĐT cũng có cơ hội nếu lãi suất tiếp tục giảm. Lãi suất bao giờ cũng có tác động ngược chiều với giá chứng khoán. Đây là động cơ để TTCK sẽ phục hồi tăng khoảng 20% trong năm nay. Riêng thị trường ngoại hối, tôi nghĩ khó tìm kiếm lợi nhuận từ kênh này bởi cơ quan quản lý đang điều hành chính sách tỷ giá đúng hướng và sẽ duy trì ổn định như cam kết không điều chỉnh quá 2%.

Kênh đầu tư kém hấp dẫn nhất trong năm nay chính là vàng. Theo tôi, giá vàng tiếp tục giảm trước sức ép tăng giá của đồng USD và giá dầu. Thị trường vàng trong nước chịu chi phối lớn từ thế giới, nên đây là kênh đầu tư nhiều rủi ro.

Còn với kênh tiết kiệm, có khả năng lãi suất huy động sẽ giảm thêm và mức sinh lời không còn hấp dẫn như trước. Nhưng, với đại bộ phận dân chúng đây là kênh đầu tư an toàn. Ngoài ra, nếu lãi suất giảm 1%/năm mà lạm phát vẫn giữ ở mức thấp thì người gửi tiền vẫn đảm bảo lãi suất thực dương.

Vậy theo ông, NĐT nên chọn kênh đầu tư như thế nào?

Tùy theo số tiền đầu tư cũng như khẩu vị rủi ro của NĐT. Với số tiền tiết kiệm dưới 100 triệu đồng, theo tôi, gửi tiết kiệm là kênh đầu tư hấp dẫn nhất. Vì nếu đầu tư vào BĐS thì chưa đủ, "chơi" vàng thì rủi ro… Nếu bạn có số tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng thì BĐS là kênh đầu tư phù hợp với "túi tiền" này. Còn có nhiều tiền hơn nữa, khoảng 1 tỷ đồng, thì bạn cần phải phân bổ số tiền này cho các kênh đầu tư chứ không nên cho tất cả vào một giỏ.

Nếu là NĐT, ông sẽ phân bổ số tiền trên thế nào để đảm bảo khoản đầu tư hiệu quả?

Nếu là tôi, tôi sẽ phân bổ số tiền trên vào 3 kênh đầu tư. 40% số tiền này tôi đầu tư vào BĐS; 30% cho chứng khoán; 30% cho gửi tiết kiệm. Nhưng, trong đó nên 20% gửi bằng tiền VND và 10% gửi bằng USD. Vì thực tế, tuy thị trường BĐS đang trên đà hồi phục nhưng chưa thể tạo bứt phá trong 1-2 năm tới, vì còn nhiều yếu tố bất lợi như hàng tồn kho, nợ xấu liên quan BĐS rất lớn, thu nhập của người dân Việt Nam còn rất thấp để mua nhà…

Hay như TTCK sẽ chịu tác động nhiều từ diễn biến giá dầu trên thế giới. Với NĐT chuyên nghiệp, bao giờ họ cũng phân bổ vốn vào nhiều kênh đầu tư để đạt mục tiêu họ mong muốn. 3 mục tiêu mà các NĐT đặt ra khi bỏ vốn đầu tư: bảo vệ an toàn cho đồng vốn; phải có giá trị gia tăng, và thứ 3 tài sản đầu tư có tính thanh khoản.

Tùy theo khẩu vị rủi ro, có NĐT đề cao giá trị gia tăng, hay nói cách khác, muốn lợi nhuận lớn thì họ đầu tư vào kênh đầu tư sinh lời cao nhưng rủi ro lớn. Ví như, các mã cổ phiếu tăng trưởng mạnh là đích đến của các NĐT này. Nếu giá cổ phiếu tăng mạnh thì họ được lợi nhuận lớn và ngược lại. Hoặc NĐT nào muốn đầu tư tài sản tính thanh khoản cao thì có thể lựa chọn trái phiếu Chính phủ. Tiền gửi NH là kênh thanh khoản rất cao, nhưng khả năng sinh lời ở mức trung bình…

Đấy là đối với NĐT chuyên nghiệp, còn đối với cá nhân, tùy thuộc theo độ tuổi, tầng lớp. Chẳng hạn, người cao tuổi dĩ nhiên đối với họ vấn đề bảo toàn đồng vốn là rất quan trọng và gửi tiết kiệm NH là ưu tiên số một. Còn nếu các bạn trẻ thì có thể sẽ mạo hiểm tìm kênh tăng trưởng sinh lời cao, chấp nhận rủi ro. Nếu mất mát thua thiệt thì họ vẫn còn nhiều năm để phục hồi số tiền đó.

Xin cảm ơn ông!