TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã chia sẻ quan điểm của mình dưới góc nhìn kinh tế trước câu chuyện của ngành mía đường được bàn đến thời gian qua.
Dù cho rằng không nên đẩy DN đến đường cùng nhưng TS Thiên nhìn nhận không riêng gì ngành mía đường mà tất cả các ngành đều nên mở cửa càng nhanh càng tốt.
Theo TS Trần Đình Thiên, quan điểm của Thứ trưởng Bộ Công thương đã khá rõ đối với ngành mía đường. Dù nhìn nhận thế nào thì việc duy trì bảo hộ chỉ khiến cho họ thêm trì trệ và không bao giờ phát triển được.
Thực tế thời gian qua mía đường đã bộc lộ những điểm hạn chế cho nên cũng như nhiều ngành khác cần phải tạo động lực để ngành thay đổi và tái cấu trúc.
"Thời gian qua "phép thử" nhập đường của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã khiến các DN mía đường bộc lộ hết mọi điểm yếu. Do vậy tôi cho rằng cứ để cạnh tranh sòng phẳng. Nên tháo dần bảo hộ, cho nhập đường để tạo sức ép. Như vậy họ sẽ chỉ có 2 con đường, một là thay đổi để đi lên, hai là xóa tên trong danh sách.", TS Trần Đình Thiên nói.
Trước nhiều ý kiến của người trong ngành mía đường về những khó khăn, rào cản cơ chế chính sách các doanh nghiệp không thể bứt phá, ông Thiên thừa nhận: Cũng còn nhiều rào cản về chính sách, cơ chế cần Chính phủ tháo gỡ. Tuy nhiên, ông cho rằng quan trọng nhất là thái độ quyết tâm của doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp vẫn phải là trọng tâm, là chính và cần phải thay đổi tư duy. Chỉ có việc chấp nhận cạnh tranh để vươn lên bằng chính nội lực của mình thì mới mong thay đổi", TS Thiên nói.
Theo TS Trần Đình Thiên, ngành mía đường cần bước ra khỏi chính sách bảo hộ để bứt phá |
Hiệp hội mía đường lên tiếng
Trước nhiều ý kiến góp ý để ngành mía đường có thể thay đổi và bứt phá thời gian qua, Hiệp hội mía đường Việt Nam vừa tiếp tục có văn bản gửi lên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để bày tỏ quan điểm riêng.
Theo đó, công văn ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội nêu rõ vì sao ngành mía đường kêu ca khác với các ngành lúa gạo, cà phê...
Theo ông Long: "Nếu so sánh thì quá khập khiễng. Ngành mía đường xảy ra những bất cập riêng không giống các ngành khác. Nhà máy đường có vốn đầu tư rất cao, tính mùa vụ rất khắc nghiệt, vốn để hoạt động sản xuất cũng rất lớn.
Mối quan hệ nhà máy và người trồng mía yêu cầu chặt chẽ cao, công nghệ chế biến cũng phức tạp hơn nhiều so với chế biến gạo, trà, hạt điều, cà phê… do vậy đòi hỏi sự nghiêm ngặt của chuỗi giá trị cũng khác hơn. Sự bất trắc bất kỳ ở khâu nào cũng đều có thể gây thiệt hại lớn cho toàn chuỗi", công văn nêu rõ.
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam: Về kỹ thuật công nghệ Việt Nam không hề thua kém, nhưng về chính sách quốc gia khác nhau thì doanh nghiệp không thể làm khác được.
"Hoàng Anh Gia Lai không xây dựng nhà máy đường tại Việt Nam mà phải sang Lào đầu tư? Chính là do điều kiện nông nghiệp và chính sách của Lào vượt trội và hấp dẫn hơn Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai đã tìm thấy từ những chính sách ưu đãi của Lào là nền tảng để Hoàng Anh Gia Lai sản xuất được đường có giá cạnh tranh. Nếu nhìn toàn diện sẽ thấy vấn đề khác đi chứ không đơn giản như một số nhận định báo chí đăng tải gần đây", ông Long diễn giải.