Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng của nông sản Việt Nam

Xuất khẩu sang Trung Quốc, nông sản của Việt Nam dễ bị ép giá, rủi ro cao nhưng theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát thì đây vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng của nông sản trong thời gian tới.

Tại cuộc họp báo về kết quả công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015 được tổ chức vào chiều ngày 1-7, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Trung Quốc là thị trường lớn nên nhiều nước trên thế giới đều cố gắng thâm nhập.

Với lợi thế là láng giềng gần gũi, lại có phong tục, tập quán giống nhau nên nông sản Việt Nam cần phát huy lợi thế để vào thị trường này. Hiện Việt Nam có 85% sắn, 35% gạo, 40% cao su... là xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Vấn đề cần bàn đến, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát đó là Việt Nam nên liên tục giao thiệp với cơ quan chức năng phía Trung Quốc để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy xuất khẩu nông sản bằng cả con đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, bên cạnh thị trường Trung Quốc, để giảm phụ thuộc, tránh bớt rủi ro cho người nông dân cũng như doanh nghiệp, cơ quan này đang cố gắng đa dạng hóa thị trường để nông sản vào được những thị trường khác, nhất là những thị trường tuy "khó tính" nhưng ổn định và có giá trị XK cao. Ví dụ như nỗ lực làm việc với cơ quan thẩm quyền nhiều nước để mở cửa cho quả vải thiều vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Australia, Nhật...

Với mặt hàng chủ lực là lúa gạo, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân sản xuất lúa gạo có chất lượng cao hơn để tiêu thụ trong nước, đồng thời theo dõi diễn biến thị trường thế giới và phối hợp với các tỉnh ĐBSCL hướng dẫn sản xuất vụ lúa Thu Đông với quy mô lớn hơn.

"Lúa Thu Đông thường cho năng suất cao, chất lượng tốt hơn và được giá hơn so với các vụ khác nên cần đẩy mạnh sản xuất, đặc biệt là trong điều kiện các quốc gia vốn là đối thủ cạnh tranh trong ngành lúa gạo của Việt Nam cũng đang gặp những khó khăn về hạn hán", Bộ trưởng lý giải.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2015 đạt 2,36%, mức này cao hơn năm 2013 (đạt 2,14%), nhưng lại thấp hơn so với 2014 (2,9%). Những tháng đầu năm, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ nông sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, đây là những khó khăn trung và dài hạn, không phải là khó khăn nhất thời. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 14,42 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, có 5/12 mặt hàng có giá và kim ngạch xuất khẩu giảm là: chè, cao su, gạo, cà phê, thủy sản.