Theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc đang nổi lên thành quốc gia được lợi hàng đầu trong cuộc chiến giá dầu giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối thủ. Tranh thủ đà lao dốc chóng mặt của giá dầu, Trung Quốc - nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới - đang nhanh tay gom “vàng đen” để dự trữ.
Bloomberg dẫn số liệu từ công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects có trụ sở ở London dự báo, nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng dự trữ dầu chiến lược có thể đẩy mức nhập khẩu dầu của nước này tăng thêm 700.000 thùng/ngày vào năm 2015.
Mức nhập dầu tăng thêm này của Trung Quốc tương đương hơn một nửa mức sản lượng dầu dôi dư trên toàn cầu theo dự báo mà ngân hàng Citigroup đưa ra sau khi OPEC tuyên bố giữ nguyên sản lượng ở mức 30 triệu thùng/ngày. Trong một báo cáo ra ngày 27/11, Citigroup nhận định, lượng dầu dư thừa trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay lên mức 1,3 triệu thùng/ngày vào nửa đầu năm 2015.
Trong cuộc họp hồi tuần trước, OPEC đã bác bỏ đề xuất của một số quốc gia thành viên, đặc biệt là Venezuela, về giảm sản lượng để cứu giá dầu.Từ tháng 6 tới nay, giá dầu thô Brent tại thị trường London đã giảm 41% trong bối cảnh sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hơn 3 thập kỷ kéo theo sự dư thừa nguồn cung dầu trên toàn cầu.
2014 là năm mà giá dầu giảm mạnh nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào năm 2008.
Theo một số chuyên gia, sở dĩ OPEC không muốn hạ sản lượng là do khối này muốn duy trì thị phần và không để mất khách hàng. Cùng với đó, có thể OPEC muốn giá dầu rẻ để khiến các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ khốn đốn, giữa lúc Mỹ dần vươn lên vị trí nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Cho dù những đồn đoán về “cuộc chiến giá dầu” của OPEC có thật hay không, thì Trung Quốc lúc này vẫn giống như một “ngư ông đắc lợi”. Nhân lúc giá dầu thô thế giới xuống mức đáy của hơn 4 năm và chưa có dấu hiệu sẽ sớm ngừng giảm, Trung Quốc đang đẩy nhanh việc xây dựng một kho dự trữ dầu lửa chiến lược.
“Đây là thời điểm vàng để Trung Quốc mua dầu dự trữ chiến lược ở mức giá thấp”, ông Gordon Kwan, trưởng bộ phận nghiên cứu dầu khí của ngân hàng Nomura tại Hong Kong, nhận xét. Ông Kwan cho rằng, Trung Quốc sẽ là một quốc gia được hưởng lợi chính từ quyết định duy trì sản lượng của OPEC.
Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, trong 9 tháng đầu năm nay, Trung Quốc tăng lượng dầu nhập khẩu thêm 460.000 thùng dầu mỗi ngày, tương đương mức tăng 8,3%, mạnh nhất kể từ năm 2010.
Mức dự trữ dầu của Trung Quốc hiện nay tương đương khoảng 30 ngày nhập khẩu. Tuy vậy, theo hãng lọc hóa dầu quốc doanh China Petrochemical của Trung Quốc, nước này sẽ tăng mức dự trữ dầu lên 100 ngày nhập khẩu trong thời gian từ nay tới năm 2020. Mức dự trữ như vậy tương đương khoảng 570 triệu thùng dầu nếu dựa trên mức nhập khẩu thời gian gần đây của Trung Quốc.
“Chúng tôi biết là Trung Quốc đã tận dụng cơ hội giá dầu giảm để làm đầy dự trữ dầu lửa chiến lược. Họ vẫn còn một chặng đường dài phải đi”, ông Simon Powell, trưởng bộ phận nghiên cứu dầu khí khu vực châu Á của hãng tư vấn CLSA, nhận định.
Đáng chú ý, Trung Quốc tăng nhập khẩu dầu giữa lúc nền kinh tế nước này giảm tốc. GDP Trung Quốc năm nay được các chuyên gia dự báo tăng khoảng 7,4%, thấp nhất từ năm 1990 và tăng 7% trong năm 2015. Trong khi đó, lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay nhiều hơn lượng tiêu thụ khoảng 440.000 thùng/ngày, mức chênh lệch lớn nhất kể từ năm 2010.
Vào năm 2009, Trung Quốc đã xây dựng xong 4 khu vực dự trữ dầu chiến lược chứa được tổng cộng khoảng 103 triệu thùng dầu. Đến nay, theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, Chính phủ nước này đã dự trữ được 91 triệu thùng dầu trong 4 khu này.
Trong giai đoạn thứ hai của kế hoạch dự trữ dầu chiến lược, Trung Quốc sẽ xây 7 khu vực dự trữ để chứa tổng cộng 191 triệu thùng dầu. Giai đoạn này được triển khai từ năm ngoái và đến nay đã có 2 khu vực được xây dựng xong. Giai đoạn thứ ba gồm có 3 khu vực dự trữ cũng đã được khởi công.
Mỹ có dự trữ dầu chiến lược từ năm 1977 sau lệnh cấm vận dầu lửa của các nước Arab năm 1973-1974. Dự trữ này đạt đỉnh vào năm 2009 với 726,6 triệu thùng - theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA). Vào ngày 21/11 vừa rồi, dự trữ dầu chiến lược của Mỹ đứng ở mức 691 triệu thùng, tương đương 37 ngày tiêu thụ.