Hội Doanh nghiệp Trung Quốc (TQ) tại TP.HCM trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP Cần Thơ ngày 17-6 đã đề nghị thành lập Trung tâm Giao dịch nông sản khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tọa lạc ở Cần Thơ.
Đây sẽ là nơi tập trung các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và vật tư nông nghiệp (phân bón, máy móc...) khu vực ĐBSCL để giao thương trong, ngoài nước.
Phía Hội Doanh nghiệp TQ tại TP.HCM cho rằng lâu nay do không có đầu mối lớn nên doanh nghiệp TQ thường phải mua nông sản thông qua thương lái. Điều đó khiến giá thành không ổn định, đôi lúc mối quan hệ giữa doanh nghiệp TQ và người dân không tốt. Chưa hết, việc mua phân tán, không có nơi tập trung nên sản phẩm bán ra ở TQ rất đắt nhưng mua ở Việt Nam (VN) thì rẻ và nông dân VN không hưởng lợi nhiều do một phần lợi nhuận rơi vào túi khâu trung gian.
Trước đề nghị nói trên, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ đã thống nhất và mọi chi tiết cụ thể sẽ được xúc tiến thêm trong thời gian tới.
Nông sản rất cần trung tâm giao dịch để kết nối cung cầu, giảm thiểu cảnh được mùa rớt giá. Trong ảnh: Sơ chế thanh long xuất khẩu.
TQ muốn có trung tâm giao dịch nông sản
Là chuyên gia hàng đầu trong nông nghiệp, GS Võ Tòng Xuân nhận định đây là một đề xuất tốt. Nếu trung tâm giao dịch hoạt động hiệu quả sẽ đảm bảo đầu ra cho nông sản vùng ĐBSCL. TQ từ xưa là thị trường tiêu thụ nông sản lớn của VN, lý do dân đông, nhu cầu lương thực, thực phẩm lớn vì vậy buộc phải nhập khẩu.
"Nếu thương lái, doanh nghiệp TQ chịu "lộ mặt" giao dịch và kết nối trực tiếp, chắc chắn họ cũng mua để về tiêu thụ ở nước họ chứ không đem đi bán ở đâu. Trung tâm giao dịch này thành lập thì việc mua bán sẽ rõ ràng với giá cả ổn định" - GS Võ Tòng Xuân nhận định.
Đặc biệt, theo ông Xuân, nếu mua qua trung tâm giao dịch, chất lượng nông, thủy sản như trái cây, con tôm, cá sẽ được cải thiện đáng kể. Nông dân nước ta sẽ chú ý đến việc bảo đảm chất lượng, thương lái sẽ ít cửa làm bậy.
Trong khi đó, ông Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ) nhận xét: "Việc thành lập trung tâm giao dịch nông sản khu vực ĐBSCL đặt tại Cần Thơ là ý tưởng tốt. Nhưng để ý tưởng thành hiện thực thì còn nhiều việc phải làm vì không chỉ doanh nghiệp nước ngoài mà doanh nghiệp trong nước cũng cần chung tay vào cuộc, phải có sự kết nối thực sự. Đồng thời, có trung tâm nhưng trung tâm này không chỉ phục vụ Cần Thơ mà phải có tính kết nối với địa phương ở vùng ĐBSCL".
Ông Hiệp chỉ ra rằng thời gian qua người nước ngoài vào VN thông qua thương lái tìm thu mua nông sản và đã xảy ra tình trạng bất cập khiến phần thiệt thòi thuộc về nông dân. Ông Hiệp nói: "Điểm yếu của nông sản ĐBSCL là thiếu kênh thu mua và bán, đặc biệt là thu mua".
Cũng theo ông Hiệp, trung tâm khi hình thành sẽ tạo kênh thông tin trao đổi về hàng hóa nông sản và tiến tới là sàn giao dịch nông sản. Ở đây không hiểu theo nghĩa "thô" là san lấp mặt bằng, xây chợ mà quan trọng đây là kênh mua bán hiện đại, là nơi thông tin thị trường nông sản, kết nối người mua và người bán.
Tán đồng việc hình thành Trung tâm Giao dịch nông sản khu vực ĐBSCL nhưng ông Hồ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Vĩnh Long cho rằng: "Nếu trung tâm có pháp nhân, địa chỉ kinh doanh rõ ràng, được cấp phép đầu tư và hoạt động theo quy định pháp luật VN thì chúng tôi sẵn lòng ủng hộ. Đồng thời sẵn sàng kết nối giới thiệu doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) sản xuất nông sản của địa phương tham gia để cung ứng hàng hóa".
Vừa mừng vừa lo
Ở góc độ người sản xuất, ông Sơn Văn Luận, Chủ nhiệm HTX khoai lang Bình Tân (huyện Bình Tân, Vĩnh Long), nói: "Diện tích khoai lang của HTX trên 1.470 ha và đa phần đều bán qua thị trường TQ. Có điều bà con không bán trực tiếp cho doanh nghiệp TQ mà bán qua thương lái, giá cả lên xuống phụ thuộc hoàn toàn vào phía TQ. Thêm nữa, việc mua bán qua thương lái nên chẳng có hóa đơn, chứng từ hay hợp đồng, rủi ro về mặt pháp lý rất cao. Do vậy, nếu có trung tâm giao dịch và người mua có địa chỉ rõ ràng, có đầy đủ pháp nhân thì bà con rất an tâm vì mua bán có hợp đồng đàng hoàng".
Theo ông Luận, khi có trung tâm giao dịch nông sản HTX có pháp nhân để giao dịch trực tiếp với doanh nghiệp TQ thông qua đầu mối là trung tâm, từ đó giảm bớt thiệt thòi khi phải bán qua trung gian. Đồng thời HTX có cơ hội nắm bắt thông tin về đối tác mua bán, thị trường tiêu thụ, giá cả từ đó điều chỉnh sản xuất phù hợp với cung cầu.
Còn anh Nguyễn Công Trị, nông dân trồng lúa ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, chia sẻ tâm trạng vừa mừng vừa lo: "Điều nông dân lo nhất là ai đứng ra làm đại diện cho nông dân thực hiện giao dịch hợp đồng ký kết với doanh nghiệp TQ. Bởi ngay cả doanh nghiệp trong nước có khi họ còn "xù" hợp đồng huống gì TQ. Nông dân biết nắm ai khi bị thiệt hại quyền lợi" - ông Trị lo ngại.
Đại diện một hiệp hội xuất khẩu nông sản cũng bày tỏ sự ủng hộ nhưng tỏ ra lo lắng: Lập rồi quản lý như thế nào? Ai đứng ra quản? Bởi nếu để Hội Doanh nghiệp TQ tham gia quản lý, điều hành giá thì nông sản Việt sẽ tiếp tục "phụ thuộc" vào TQ.
GS Xuân thì cho rằng cái lo lớn nhất vẫn là lo cho người nông dân. Họ ít có kiến thức về pháp luật, do đó trung tâm giao dịch cần có một đơn vị tư vấn về hợp đồng ký kết cho nông dân. Ngoài ra, trung tâm này cần phải cập nhật thông tin thị trường, thông tin giá cả kịp thời để khi giao dịch nông sản Việt có mức giá tốt nhất, người nông dân có lãi.
Doanh nghiệp Việt phải biết hổ thẹn Nông sản Việt bị thương lái trong nước, thương lái TQ ép giá từ nhiều năm nay thì chính doanh nghiệp VN phải hổ thẹn. Bởi vì họ quá dở trong việc tìm thị trường, chỉ chăm chăm làm sao mua của nông dân với giá thấp. Đấy chính là cơ hội cho thương lái nước ngoài vào thu mua khiến nhiều doanh nghiệp Việt nhiều lúc không có đủ nguyên liệu chế biến xuất khẩu, lúc thì lại thừa. Có mấy doanh nghiệp trong nước chịu đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân đâu. Vì vậy, doanh nghiệp TQ đưa ra đề xuất thành lập trung tâm giao dịch nông sản sẽ là lời cảnh báo cho doanh nghiệp trong nước về cách làm ăn với nông dân. GS Võ Tòng Xuân |