Ngày 3/10, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát chủ trì Hội nghị về công tác bảo vệ thực vật trong sản xuất hồ tiêu bền vững tại Gia Lai - vùng trọng điểm hồ tiêu của cả nước.
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 80.000 ha hồ tiêu, trong đó khu vực Tây Nguyên chiếm hơn một nửa. Riêng tỉnh Gia Lai có gần 12.000 hecta, vượt gấp đôi so với quy hoạch đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt.
Nguyên nhân của tình trạng phá vỡ quy hoạch này là do những năm gần đây, giá hồ tiêu liên tục tăng cao (từ 60.000 đồng lên đến hơn 200.000 đồng/kg), nông dân ồ ạt trồng tiêu mà không tính đến những hậu quả.
Thực tế trong thời gian qua, nhiều vườn hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng đã nhiễm các loại sâu bệnh, nhiễm tuyến trùng hại rễ, chết hàng loạt, do nông dân không quan tâm đến chất lượng giống, quy trình kỹ thuật và khí hậu, thổ nhưỡng đối với cây hồ tiêu.
Cũng vì chạy đua năng suất, không ít nông dân đã lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, khiến sản phẩm hồ tiêu tồn dư hóa chất, ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đề nghị tỉnh Gia Lai nói riêng, các địa phương có trồng tiêu nói chung căn cứ vào quy hoạch phát triển hồ tiêu đã được bộ phê duyệt, để hướng dẫn nông dân sản xuất bền vững.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: "10 năm qua, Bộ Nông nghiệp luôn kêu gọikiềm chế, bây giờ, tôi tiếp tục kêu gọi người nông dân kiềm chế. Hồ tiêu là cây trồng lâu năm, ta không thể hướng theo giá 1 năm để trồng tiêu. Nếu không kiềm chế, vài năm nữa sẽ trả giá đắt. Đề nghị tổ chức nghiêm túc quy định pháp luật về quản lý giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Chúng ta cần tổ chức đội ngũ nông dân nòng cốt tới từng buôn làng, tổ chức tập huấn cho nông dân"./.