Triển vọng lạc quan về nhu cầu dầu mỏ của OPEC trong năm 2015

Ba cơ quan năng lượng lớn nhất thế giới vừa đưa ra dự báo nhu cầu đối với dầu mỏ của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ tăng cao trong năm nay. Đây được coi là một tín hiệu lạc quan cho thấy nhu cầu dầu mỏ sẽ sớm được cải thiện.

Cụ thể, ngày 9/2, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu dầu mỏ của nhóm này trong năm nay sẽ ở mức trung bình 29,21 triệu thùng/ngày, tăng 430.000 thùng/ngày từ ước tính trước đó.

Một ngày sau đó, 10/2, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ của OPEC tăng 200.000 thùng/ngày lên 29,4 triệu thùng/ngày.

Cùng ngày, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đưa ra dự đoán OPEC sẽ sản xuất khoảng 30,05 triệu thùng/ngày trong năm 2015, tăng so với dự báo trước đó là 29,91 triệu thùng.

Theo hãng thông tấn Saudi Arabia (SPA), Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Ali al-Naimi nói rằng đã có sự cải thiện tương đối trên thị trường dầu mỏ khi nhu cầu tăng và giá cả ổn định trong giai đoạn hiện nay.

Kinh tế của Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) tăng trưởng khả quan hơn mong đợi trong quý 4/2014, trong khi Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh gấp đôi dự kiến.

Các số liệu tích cực trên là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi kinh tế sắp tới đã làm dấy lên hy vọng rằng nhu cầu dầu mỏ sẽ sớm được cải thiện.

Các quốc gia OPEC bơm khoảng 30 triệu thùng dầu thô/ngày, tương đương gần 1/3 nhu cầu dầu thô toàn cầu. Nhu cầu dầu mỏ của OPEC tăng thường được xem như một dấu hiệu tích cực đối với thị trường "vàng đen".

Sau khi nguồn cung dầu mỏ dư thừa đẩy dầu mỏ thế giới mất 60% giá trị kể từ hồi tháng 6/2014, Saudi Arabia, thành viên hàng đầu của OPEC và là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, kêu gọi các quốc gia thành viên không cắt giảm sản lượng và tìm cách "hất cẳng" các đối thủ cạnh tranh từ Mỹ ra khỏi thị trường này.

Giá dầu thấp có thể khiến các công ty Mỹ buộc phải giảm sản lượng do chi phí khai thác những mỏ dầu khí đá phiến cao hơn nhiều so với chi phí khai thác dầu thông thường.

Báo cáo mới công bố của các cơ quan năng lượng quốc tế cũng chỉ ra rằng giá dầu thô rẻ hơn khiến các công ty sản xuất dầu khí đá phiến và các nhà sản xuất dầu khác phải cắt giảm đầu tư và hiện đang phải giảm cả nguồn cung cấp.

Thông tin trên đã đẩy giá dầu Brent Biển Bắc tăng lên gần 62 USD/thùng, tăng hơn 35% từ mức "đáy" của gần sáu năm là 45 USD/thùng ghi nhận trong phiên ngày 13/1, mặc dù vẫn xa mức đỉnh 115 USD/thùng đạt được hồi tháng 6/2014.

Mặc dù vậy, các nhà quan sát vẫn thận trọng trước triển vọng nhu cầu của dầu thô trong thời gian tới. Ông David Fyfe, cựu quan chức IEA và hiện là người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Gunvor, lưu ý đến xu hướng ổn định của cung cầu trên thị trường trong nhiều tháng qua, song ông cho rằng thời điểm này vẫn là quá sớm để đánh giá liệu kỷ nguyên giá dầu rẻ đã sắp "hết thời" hay chưa./.