Triển vọng lạc quan của thị trường hàng quà tặng cao cấp

Trong vài năm trở lại đây, nhu cầu quà tặng để biếu khách hàng, đối tác của người dân và doanh nghiệp có xu hướng tăng, đặc biệt là dòng sản phẩm quà tặng cao cấp.

Nắm bắt được xu hướng này, mới đây Công ty VBĐQ Vietinbank đã phân phối dòng sản phẩm thương hiệu Royal Selangor (làm từ thiếc) đến từ Malaysia. Trước đó, thị trường trong nước cũng có nhiều thương hiệu của các hãng nổi tiếng rất "ăn khách" như swarovski, Grandluxe, Regal, Picasso...

Trao đổi với báo chí tuần trước, ông Phạm Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc VBĐQ Vietinbank cho biết, các sản phẩm Royal SeLangor được phân phối ở Việt Nam được đánh giá là khá phù hợp để tặng quà, với giá cả dao động từ 800 nghìn đồng đến xấp xỉ 25 triệu đồng/sản phẩm.

Trước câu hỏi, liệu thị trường có “hờ hững” với các sản phẩm quà tặng đắt tiền như vậy trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn như hiện nay?, ông Dũng cho hay, mảng quà tặng cao cấp, đặc biệt là các sản phẩm tinh tế, có đẳng cấp và thương hiệu, được đánh giá là rất tiềm năng tại thị trường Việt Nam và sẽ phát triển mạnh trong các năm tới khi mà kinh tế phục hồi ổn định. Như ở công ty ông, dù mới kinh doanh dòng sản phẩm quà tặng được 3 năm nay nhưng doanh thu vẫn khá cao, khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm.

Còn ông Chen Tien Yue, Giám đốc điều hành của Royal Selangor Marketing cũng đánh giá Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng lớn cho thương hiệu quà tặng cao cấp và tinh xảo. Nguyên nhân là bởi người dân Việt Nam là những người luôn biết trân trọng các giá trị văn hóa, lịch sử và nghệ thuật, đồng thời cũng có nền văn hóa tặng quà tương đồng với nhiều quốc gia châu Á khác như là Trung Quốc, Singapore, Malaysia…


Thảo Phương