Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa có công văn gửi tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản, Bộ Công Thương, đề xuất phương án đánh thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng tôm tươi chưa qua chế biến xuất khẩu nhằm hạn chế tình trạng thương lái tổ chức thu mua tôm nguyên liệu ồ ạt đưa sang Trung Quốc. Điều đáng nói là các thương lái này không mua với giá cố định mà luôn đưa ra giá cao hơn giá các DN Việt Nam đã thỏa thuận, với mục đích kiểu gì cũng phải thu gom được hàng đem đi.
Nguồn nguyên liệu tôm vẫn là bài toán khó đối với DN chế biến
Nhưng, không chỉ đưa ra mức giá "nhỉnh" hơn giá thu mua của các công ty chế biến trong nước, mà thương lái mua xuất hàng sang Trung Quốc còn không đặt quá cao những yêu cầu về quy chuẩn chất lượng cũng như kích cỡ, chủng loại, khiến cho nhiều chủ vựa tôm khi cần tiền có thể xuất bán bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trước mắt điều này có thể đem lại lợi ích nhỏ cho một số hộ nuôi trồng, nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu tôm của DN Việt Nam, gây rối loạn thị trường tôm nguyên liệu trong nước. Đặc biệt, việc thu mua này khiến nguy cơ không kiểm soát được về chất lượng, đặc biệt là kháng sinh và tạp chất, làm ảnh hưởng đến hình ảnh tôm Việt Nam...
Trên thực tế, sự bấp bênh của ngành tôm trong thời gian qua đang ảnh hưởng đến sản lượng nuôi trồng. Số liệu tổng hợp từ các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, một số tỉnh có diện tích và sản lượng thu hoạch tôm giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, Bạc Liêu trong 8 tháng năm 2104 sản lượng tôm sú thu hoạch chỉ đạt 34.617 tấn, giảm 7,3%; Bến Tre đạt 6.244 tấn, giảm 27,4%; TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu mỗi tỉnh đều giảm gần 7% về sản lượng…
Do nguồn cung trong nước sụt giảm, cộng với tình trạng xuất thô tôm thiếu kiểm soát từ đầu nguồn nguyên liệu trong suốt thời gian qua đã dẫn đến tình trạng khan hiếm tôm nguyên liệu, khiến nhiều DN phải xoay sang nhập khẩu nguyên liệu thủy sản. Xu hướng này có chiều hướng gia tăng mạnh so với trước đây. Trong 8 tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu thủy sản đã lên đến 720 triệu USD, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo phản ánh của một số DN tại Cà Mau, mặc dù đặt nhà máy ngay tại vùng nguyên liệu nuôi tôm nhưng hiện tượng "đói" nguyên liệu vẫn xảy ra. Lãnh đạo CTCP Thủy sản và thương mại Thuận Phước (Thuan Phuoc Corp) cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của công ty trong 7 tháng đầu năm nay đạt 62 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2013. Song, điều lo lắng nhất của DN lúc này không chỉ bởi giá tôm nguyên liệu hiện nay đã tăng 20%, mà chính là tình trạng thương lái thu mua tôm nguyên liệu đưa sang Trung Quốc vẫn không hề giảm, khiến các DN chế biến rất khó chủ động về nguồn nguyên liệu.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Tập đoàn Minh Phú cho biết thêm, việc cạnh tranh trực tiếp với thương lái thu gom để có được nguồn hàng khiến chi phí đầu vào bị đẩy lên. Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu nhập khẩu từ một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Đài Loan và cả từ Trung Quốc lại có mức tương đồng, thậm chí thấp hơn chút đỉnh. Đó cũng là lý do để DN xoay sang nhập khẩu nguyên liệu.
Mặc dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia, đây không phải là giải pháp căn cơ, bền vững. Ngoài việc chú trọng đến gia tăng chế biến sâu, giảm tỷ trọng sử dụng tôm trong thành phẩm xuất khẩu để tránh phụ thuộc nguyên liệu đầu vào khi khan hiếm, mỗi DN chế biến tôm nếu muốn sản xuất kinh doanh bền vững cần phải có vùng nguyên liệu tối thiểu đảm bảo 10% công suất và ký hợp đồng bao tiêu mua tôm nguyên liệu ổn định với người nông dân để tránh tình trạng bị đánh tháo, khi được giá người nuôi tôm quay sang bán cho đối tác khác như thời gian qua.
Hiện, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến cho Dự thảo Đề án Quản lý hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm nước lợ khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến khi Đề án này đi vào thực tiễn sẽ phần nào giải quyết bài toán khó khăn về lâu dài cho ngành thủy sản nói chung và DN chế biến xuất khẩu thủy sản nói riêng, mà con tôm là một minh chứng.