Tiêu "bẩn"

Hiện thị phần xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam vào châu Âu chiếm 34%, châu Á 36%, châu Mỹ 20% và châu Phi 10%. Đây là những tín hiệu vui không chỉ cho các doanh nghiệp kinh doanh hồ tiêu mà cho cả người trồng hồ tiêu cả nước.

Hồ tiêu Việt Nam lâu nay đã khẳng định được vị thế trên thương trường quốc tế, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu…

Người trồng tiêu nên tuân thủ các quy trình trong sản xuất
để bảo đảm an toàn sinh học sản phẩm
Để thương hiệu hồ tiêu Việt Nam đứng vững và khẳng định được vị thế thì cần phải đảm bảo được số lượng và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên thời gian gần đây vì lợi nhuận cao từ hồ tiêu mang lại, nông dân ở một số địa phương đã pha trộn tạp quả với hồ tiêu để trục lợi, gây nhiều phiền lụy và bức xúc cho các cơ sở, doanh nghiệp thu mua xuất khẩu.

Ông Phạm Văn Nam, chủ đại lý của thu mua nông sản Diệu Linh (xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) cho biết: "Vừa rồi đại lý tôi thu mua lô hạt tiêu có trọng lượng 72,5kg của người dân, sau khi phát hiện một số "quả lạ" có hình dáng, màu sắc na ná với hạt tiêu, nhưng kích thước và trọng lượng lại lớn hơn, chúng tôi tiến hành kiểm tra lô hàng thì có đến 30% "quả lạ" không phải là tiêu được người dân độn vào".

Sau khi nghe thông tin tiêu bị trộn với tạp quả, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở thu mua nông sản trên địa bàn huyện và cũng phát hiện một số trường hợp hạt tiêu bị pha trộn với "quả lạ". Cụ thể, tại Công ty Phát triển và Đầu tư xuất nhập khẩu An Phong (thuộc huyện Đắk Song), qua kiểm tra đã phát hiện lô hạt tiêu trọng lượng 30kg, có tới 24% "quả lạ" do người dân pha trộn với hạt tiêu. Hiện cơ quan chức năng đang gửi mẫu quả lạ trộn lẫn với hạt tiêu đi phân tích, kiểm nghiệm nhằm xác minh cụ thể.

Ông Nguyễn Nho Lý, Giám đốc Công ty Phát triển và Đầu tư xuất nhập khẩu An Phong cho biết: Việc người dân pha trộn tiêu với "quả lạ" tương đối tinh vi nên các chủ đại lý doanh nghiệp rất khó phát hiện, thường thì sau khi trộn với quả lạ trọng lượng lô hàng hạt tiêu sẽ tăng lên từ 10 đến 15% và mang lại cho người bán một số tiền không nhỏ. Do lợi nhuận từ việc gian lận này mà nhiều hộ dân trồng tiêu cũng làm theo để trục lợi. Tình trạng này nếu không được ngăn chặn kịp thời thì hậu quả là cả doanh nghiệp và người trồng tiêu sẽ thiệt đơn, thiệt kép.
Thiết nghĩ để ngăn chặn tình trạng độn quả lạ vào hạt tiêu các cơ quan chức năng cần phải sớm vào cuộc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ giá trị sản phẩm hồ tiêu. Cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thì cơ quan chức năng cũng cần có hình thức xử lý thích đáng đối với những trường hợp cố tình pha trộn hạt tiêu với tạp quả nhằm tạo tính răn đe, phòng ngừa.