Nhận định này được đưa ra khi số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho thấy, trong năm 2013, Ấn Độ và Pakistan có xu hướng phát triển mạnh về sản lượng để xuất khẩu gạo giá rẻ nhiều hơn, bình quân khoảng 400 USD/tấn, trong khi giá gạo của Việt Nam vào khoảng 450–550 USD/tấn.
Ngược lại, Thái Lan và Mỹ lại tập trung vào xuất khẩu các loại gạo có chất lượng cao, nên giá cao hơn hẳn so với các nước khác, bình quân trong khoảng 600-700 USD/tấn.
Về triển vọng xuất khẩu gạo sang Châu Phi, một báo cáo nghiên cứu chung gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho thấy mặc dù có sự tăng trưởng khá về sản xuất gạo, nhưng nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước Châu Phi sẽ tiếp tục tăng lên trong giai đoạn từ nay đến năm 2022.
Theo đó, sản xuất gạo của các nước Châu Phi được dự báo sẽ đạt mức trên 28,0 triệu tấn vào năm 2022 và châu lục này vẫn phải nhập khẩu thêm 14,6 triệu tấn gạo để bảm đảm an ninh lương thực.
Ai Cập dự kiến là nước có sản lượng gạo cao nhất với khoảng 3,8 triệu tấn, nhưng dự báo sản lượng gạo của Ai Cập đến năm 2022 khó có khả năng tăng trưởng do sản xuất đã gần như đạt mức giới hạn, nên nước này dự báo sẽ phải nhập khẩu trên 1 triệu tấn gạo vào năm 2022.
Các nước Châu Phi khác thuộc tiểu vùng Sahara tuy có sản lượng gạo tương đối lớn, dự báo đạt khoảng 24,4 triệu tấn, song do có tốc độ phát triển dân số cao nên cũng sẽ phải nhập tới 12,8 triệu tấn gạo vào năm 2022.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 8/2014, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang một số thị trường chính tại châu Phi đạt khoảng 425,6 ngàn tấn với trị giá khoảng 204,1 triệu USD, chiếm 14,1% về lượng và 10% về trị giá tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Trong đó, xuất khẩu gạo sang Ghana đạt 205.719 tấn, kim ngạch đạt 109,6 triệu USD (giảm 29% về lượng và giảm 19% về trị giá), sang Bờ Biển Ngà đạt 111.733 tấn, kim ngạch 51,2 triệu USD (giảm 73% về lượng và giảm 70% về trị giá), sang Senegal đạt 43.058 tấn, trị giá 15,0 triệu USD (giảm 2% về lượng và giảm 9% về trị giá), sang Nam Phi đạt 29.095 tấn, trị giá 12,1 triệu USD (tăng 7% về lượng nhưng giảm 2% về trị giá), sang An-giê-ri đạt 25.500 tấn, kim ngạch 11,0 triệu USD (giảm 64% về lượng và giảm 63% về trị giá), sang Angola đạt 10.520 tấn, kim ngạch 5,2 triệu USD (giảm 89% về lượng và giảm 87% về trị giá).
Trước đó, trong năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu mặt hàng gạo sang 33 trên tổng số 55 nước châu Phi (tăng 5 thị trường so với năm 2012) với kim ngạch đạt 775,02 triệu USD, tăng 2% so với năm 2012. Gạo tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu số 1 của Việt Nam tại khu vực này, chiếm 27% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi và chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam ra thế giới.
Theo dự báo, đến năm 2022, Việt Nam sẽ tiếp tục là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới sau Thái Lan. Tuy nhiên, một số nước hiện đang có chính sách đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo sẽ là các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam như Ấn Độ (có thể đạt mức xuất khẩu trên 5 triệu tấn), Pakistan (trên 4 triệu tấn), Mỹ (gần 4 triệu tấn). Các nước khác như Bra-xin, Uruguay mỗi nước có khả năng xuất khẩu trên 1 triệu tấn vào năm 2022.