Những tháng vừa qua, tình trạng buôn lậu thuốc lá qua đường tiểu ngạch trở nên nóng hơn bao giờ hết. Từ các cửa khẩu biên giới phía Bắc, miền Trung, phía tây nam, thuốc lá lậu đổ vào Việt Nam với số lượng lớn, ngụy trang tinh vi và bằng cả sự liều lĩnh, chống đối nguy hiểm.
Thuốc lá lậu đổ vào muôn ngả
Những chiếc xe máy chở các bao thuốc lá lậu cao ngất “xé gió” chạy bạt mạng trên quốc lộ hay trên những chiếc xuồng nhỏ khắp các kênh rạch từ các cửa khẩu Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang… tuồn về TP.HCM. Hoạt động tập kết, vận chuyển hàng theo kiểu nhỏ lẻ này diễn ra khá nhanh, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mắt cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết thực trạng buôn lậu thuốc lá tại nước ta đang tồn tại và diễn biến vô cùng phức tạp. Riêng lực lượng quản lý thị trường (QLTT) hằng năm bắt giữ trên 1 triệu bao, xử lý trên 5.000 vụ, nộp ngân sách trên 20 tỉ đồng, chuyển cơ quan hình sự xử lý trên 40 vụ.
Nếu như trước đây các đối tượng hoạt động cả ngày, đêm thì nay chuyển sang hoạt động lén lút hoặc lợi dụng giờ cơ quan chức năng thay ca. Ngoài ra các đối tượng sử dụng các phương thức ghe, xuồng máy với tốc độ cao để vận chuyển. Các đối tượng buôn lậu sẵn sàng bỏ hàng hóa, dùng hung khí chống trả hoặc lao phương tiện vào lực lượng chức năng truy bắt để chạy thoát rất nguy hiểm.
Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM, thông tin trong sáu tháng đầu năm có gần 1.300 vụ buôn bán, vận chuyển thuốc lá trên địa bàn bị phát hiện, xử lý. Trong đó thuốc lá điếu nhãn hiệu Jet và Hero được vận chuyển, buôn bán trái phép nhiều nhất (851 vụ và hơn 333.200 bao thuốc lá nhập lậu). Khi bị lực lượng chức năng phục kích phát hiện, đối tượng vận chuyển lập tức bỏ hàng để tháo chạy nên số vụ xử lý không nhiều như thực tế bắt giữ.
Mới đây, Công an huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã triệt phá đường dây vận chuyển thuốc lá lậu Campuchia - Việt Nam trên tuyến kênh Rau Răm từ tỉnh Long An về huyện Bình Chánh (TP.HCM). Đây là vụ bắt thuốc lá lậu lớn nhất từ trước đến nay tại TP.HCM với hơn 50.000 gói thuốc lá, bắt giữ một đối tượng và sáu ghe máy. Khi bị vây bắt, các “nài thuốc” đã lao thẳng ghe hàng vào cảnh sát khiến hai chiến sĩ bị thương.
Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, thuốc lá Jet và Hero hiện được Công ty Thuốc lá Sumatra của Indonesia sản xuất và không được người dân Indonesia sử dụng. Do chính sách thuế cực kỳ ưu đãi nên thuốc lá Jet và Hero được nhập hợp pháp vào Campuchia để sau đó được xuất lậu và tiêu thụ chính tại thị trường Việt Nam.
Thất thu 6.500 tỉ đồng/năm
Ông Phạm Kiến Nghiệp, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), cho biết ngành thuốc lá đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 19.000-20.000 tỉ đồng mỗi năm (tương đương gần 1 tỉ USD). Khoảng 6 triệu người lao động trong ngành thuốc lá gồm công nhân sản xuất, nông dân trồng cây thuốc lá, lao động trong các ngành dịch vụ-thương mại liên quan. Ngoài ra các doanh nghiệp thuốc lá đóng góp hàng trăm tỉ đồng mỗi năm cho công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo…
Theo tính toán của VTA, năm 2013, thuốc lá nhập lậu lấy đi hơn 20% thị phần thuốc lá điếu nội địa, làm thất thu ngân sách nhà nước 6.500 tỉ đồng, tương đương 309 triệu USD.
Hiện nay thuốc lá nhập lậu ngày càng được bán và tiêu dùng công khai tại tất cả cửa hàng khắp cả nước đã tác động xấu đến nhiều mặt kinh tế và xã hội của đất nước.
Ông Nghiệp cho hay sản lượng thuốc lá sản xuất trong tháng 7-2014 đạt hơn 346 triệu bao, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2013. Tính chung bảy tháng đầu năm ước đạt 2,4 tỉ bao, giảm 12,6% so với cùng kỳ. Điều này đồng nghĩa số lượng thuốc lá nhập lậu cũng đã tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Trước đây thuốc lá lậu chủ yếu là Jet và Hero (giá 14.000đồng/bao) thì mới đây xuất hiện nhiều loại thuốc lá lậu mới với giá rất rẻ như League, Luxury, Cambo, Ram, Rainson (giá 2.700-4.000 đồng/bao), Mine, Gem (4.000 đồng), Golden Deer (9.000 đồng)… Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân là do sự bất bình đẳng giữa thuốc lá hợp pháp và thuốc lá lậu.
Trong khi giá thành sản xuất của doanh nghiệp chân chính cao do nguyên liệu tăng 10%-15%, phụ liệu tăng 5%-7% in cảnh báo sức khỏe, nguyên liệu đầu vào bị kiểm soát ngặt nghèo… thì thuốc lá lậu hoàn toàn ngược lại.
Số liệu khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường AC Nielsen cho hay thị phần thuốc lá lậu tại Việt Nam tăng 30%-40% trong sáu tháng đầu năm (chiếm 25,3% thị phần). Thuốc lá lậu làm mất sản lượng nguyên liệu: 18.000 tấn/năm (tương đương diện tích trồng là 10.000 ha); mất việc làm của nông dân: 5 triệu công lao động/năm; mất việc làm của công nhân: 600.000 công lao động/năm và hàng trăm ngàn lao động trong các ngành thương mại-dịch vụ liên quan. Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong sáu tháng đầu năm, thuốc lá lậu tăng 25,3%, trong đó 90% là thuốc lá Jet và Hero. Tại địa bàn TP.HCM, cứ 10 điếu được tiêu thụ trên thị trường thì có bốn điếu là thuốc lá nhập lậu. Tỉ lệ này ở khu vực ĐBSCL là 6/10, nghĩa là cứ 10 điếu thuốc lá được tiêu thụ thì có sáu điếu là thuốc lậu. |
Theo Minh Long