Thông tin hàng hóa nổi bật ngày 05/01

Thông tin hàng hóa nổi bật ngày 05/01

Chính Phủ đồng ý lùi thời gian áp dụng quy định liên quan cá tra; Xăng E5 sẽ giảm khoảng 3.000 đồng/lít - thấp hơn xăng A92 nhằm khuyến khích người tiêu dùng; Cơ hội cho ngành cao su tái cơ cấu; Xuất khẩu gạo năm 2015 sẽ gặp nhiều khó khăn…

Xăng E5 sẽ giảm giá

Thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, trước mắt để chờ thuế tiêu thụ đặc biệt của E5 từ 10% giảm còn 8% từ 1-1-2016, nhằm khuyến khích NTD sử dụng E5, các DN bán E5 sẽ trích quỹ bình ổn giá 100 đồng/lít. Như vậy theo tính toán, chênh lệch giá giữa E5 và A92 là 300 đồng/lít.

Các DN kinh doanh xăng dầu cho biết hiện giá E5 đang được bán ngang với xăng A92 (17.880 đồng/lít). Việc trích lập quỹ bình ổn chắc chắn làm cho giá E5 thấp hơn A92, sẽ hấp dẫn NTD sử dụng.

Năm 2015, xuất khẩu gạo Việt Nam khó khăn “chồng chất”

Việt Nam dự kiến xuất khẩu 6,7 triệu tấn gạo vào năm 2015, giảm so với năm 2014 do sự cạnh tranh khốc liệt từ Thái Lan và những thay đổi về nhu cầu nhập khẩu gạo của một số thị trường truyền thống trong đó có Trung Quốc.

Báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, năm 2015 Thái Lan sẽ xuất khẩu 10,8 triệu tấn, Ấn Độ dự kiến xuất khẩu 8,7 triệu tấn và Việt Nam dự kiến xuất khẩu 6,7 triệu tấn.

Đối với các nước nhập khẩu, Trung Quốc dự báo nhập khẩu năm 2015 tăng lên mức 4 triệu tấn và trở thành nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới trong 3 năm liên tiếp.

Lối thoát cho ngành cao su

Hiện nay, giá mủ cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới đang ở mức thấp, đây chính là cơ hội tốt để ngành cao su VN tái cơ cấu theo hướng gia tăng giá trị, thay vì chỉ tập trung SX và XK mủ cao su thô như lâu nay.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN–PTNT) cho thấy, tính đến hết năm 2013, cả nước đã có hơn 955.700 ha cao su, trong khi quy hoạch của Chính Phủ đến năm 2020 là 800.000 ha, tức là diện tích trồng cao su đã vượt quy hoạch 155.700 ha.

Cục Trồng trọt khuyến cáo không trồng mới cao su, đối với những vườn cao su già cỗi, trồng ở những vùng đất không thích hợp thì cần chuyển đổi sang trồng các loại cây phù hợp. Hiện bước đầu đã có khoảng 4.000 ha cao su tiểu điền được người dân chuyển đổi sang cây trồng khác.

Lùi thời hạn áp dụng quy định về cá tra

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát vừa cho biết, Chính phủ đã đồng ý việc lùi thời gian áp dụng tỷ lệ độ ẩm (không quá 83%) và mạ băng (không quá 10%) trong cá tra phi lê xuất khẩu đến hết năm 2015 (theo Nghị định 36, thời gian áp dụng từ 1/1/2015).

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, thực tế việc đưa ra quy định như Nghị định 36 là cần thiết, để đảm bảo chất lượng, uy tín của mặt hàng cá tra- một đặc sản của Việt Nam.

Dù thời gian áp dụng các tiêu chuẩn trên được lùi lại, nhưng năm 2015, hàm lượng nước trong cá tra phi lê không quá 84,5% (xử lý mẫu theo Tiêu chuẩn Việt Nam) hoặc 85,5% (xử lý mẫu theo Codex, tương ứng mức tăng trọng 30%).


>>> Trăn trở với “hạt ngọc” Việt


Hà Thắm