Chuyên gia về hàng hóa Francisco Blanch của ngân hàng Merril Lynch cho rằng OPEC đã thực sự không còn là một tổ chức thống nhất.
Theo nhóm nghiên cứu về hàng hóa của ngân hàng Merril Lynch, thực tế là một số thành viên trong tổ chức vẫn có khả năng tăng sản lượng khai thác trong khi những nước khác đang phải đối mặt với việc suy giảm sản lượng khai thác trong năm tới do thiếu được đầu tư và thiếu nguồn tài chính, điều này sẽ gia tăng những bất đồng trong quan điểm lợi ích giữa các quốc gia trong OPEC. Bên cạnh đó là sự khác biệt về địa chính trị và tư tưởng giữa các thành viên cũng làm gia tăng sự bất đồng.
Những thành viên ban đầu của OPEC là Iran, Iraq, Kuwait, Ả Rập Xê Út và Venezuela. Kể từ khi thành lập vào năm 1960, tổ chức này đã kết nạp thêm nhiều thành viên khác như Qatar, Libi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Algeria, Nigeria, Ecuado, Gabon và Angola. (Indonesia cũng ở trong nhóm nhưng bị đình chỉ tư cách thành viên năm 2009).
Tháng 11/2014, OPEC quyết định sẽ không giảm sản lượng khai thác dầu và để giá dầu tiếp tục giảm nhưng không nhiều thành viên có lợi ích từ quyết định này. Iran đã đàm phán cấp cao với Ả Rập Xê Út nhằm tìm biện pháp ổn định giá dầu, còn Venezuela đang bị thua lỗ tới mức phải cắt điện tại một số khu vực tại thủ đô nhằm tiết kiệm chi phí công do nước này phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu dầu. Iraq thì phải cắt giảm ngân sách dự toán vốn đã ít ỏi cho năm 2015, tình hình tại Libi thì vẫn chưa ổn định do nhiều nguyên nhân. Nigeria sẽ phải đối mặt với tình hình bất ổn chính trị trong nước trong cuộc bầu cử sắp tới mà một phần lý do là bởi giá dầu.
Trong khi đó, Ả Rập Xê Út vẫn đang chờ đợi và để cho giá dầu tiếp tục giảm nhằm gây thiệt hại cho các nhà khai thác dầu tại Mỹ. Ả Rập hoàn toàn có thể làm vậy do họ có nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào. Tuy nhiên những nước nhỏ khai thác dầu khác trong Vịnh Ả Rập như Kuwait hay UAE thì lại không thể và có vẻ như họ cũng không đồng ý với kế hoạch này của Ả Rập Xê Út.
Theo chuyên gia Blanch, khi nền khoa học kỹ thuật thế giới phát triển liên tục thì việc Ả Rập Xê Út cố gắng giảm sản lượng khai thác dầu của Mỹ là có lợi cho nước này về dài hạn. Tuy nhiên cái giá về dài hạn mà nước này phải trả cũng sẽ rất đắt nếu như họ thất bại.
Theo chiều hướng ngược lại thì chuyên gia Alan Beattie cho rằng các nước khai thác dầu trong vùng Vịnh Ả Rập có mức giá hòa vốn thấp hơn các nơi khác và ngân sách của họ sẽ không bị ảnh hưởng với mức giá dầu thấp hơn hiện nay. Do đó, việc giá dầu hạ không làm ảnh hưởng đền những quốc gia này so với những khu vực khác như Venezuela.
Liệu chuyên gia nào sẽ đúng? Nếu tình hình giá dầu vẫn như hiện nay thì cuối cùng mọi sự thật sẽ được phơi bày.