Thị trường vàng lậu: Âm thầm nhưng sóng lớn

Không ồn ào, không gây chú ý để tạo thành điểm nóng, vàng lậu vẫn âm thầm chảy qua biên giới vào Việt Nam, đội lốt vàng nguyên liệu. Nhà nước thất thu thuế, ngoại tệ chảy máu, thị trường tài chính méo mó là những tác động tuy âm thầm nhưng rất nguy hiểm.

Muôn nẻo đường vàng lậu

Nếu so với hàng trăm vụ buôn lậu các mặt hàng có giá trị khác, các vụ buôn lậu vàng thực tế được phát hiện không nhiều. Mỗi năm dăm ba vụ, lớn lên đến hàng chục tỷ đồng, nhỏ cũng không dưới tiền tỷ. Các con đường vàng lậu tuồn vào Việt Nam khá đa dạng, từ đường hàng không (vụ 9 tiếp viên mang lậu 7kg vàng), đến đường bộ- chiếm đa số các vụ vàng lậu bị phát hiện, trong đó có những vụ rất lớn như đường dây của "trùm" buôn lậu vàng Nguyễn Thị Tuyết Vân bị bắt với số tang vật thu giữ lên tới 336kg.

Địa bàn phát hiện ra các vụ buôn lậu cũng rải khắp cả nước, từ Bắc vào Nam, từ biên giới như các vụ buôn lậu ở An Giang, Điện Biên, Quảng Bình, về đến thành phố lớn, trung tâm như Thủ đô Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng. Những vụ nổi bật có thể điểm danh như vụ án Nguyễn Trọng Bằng và Trần Ngọc Tình đã sang tỉnh U Đom Xay (Lào) mua số vàng trị giá 16 tỷ đồng về bán trong nước, trên đường vận chuyển, hai đối tượng đã bị các chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy - Công an tỉnh Điện Biên bắt giữ.

Hay vụ đối tượng Nguyễn Thị Hường bị bắt giữ tại cửa khẩu Cha Lo với tang vật là 4kg vàng thỏi. Ngoài ra còn có vụ 270 cây vàng lậu do Đặng Minh Tuấn mang từ Nghệ An ra Hà Nội. Số vàng được xác định khoảng 12 tỷ đồng và được vận chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam tiêu thụ…

Theo các chiến sĩ Công an, dù số vụ buôn lậu vàng được "khui" ra ít, nhưng đây không phải là cá biệt. Buôn lậu vàng vẫn diễn ra, lúc âm thầm lúc dữ dội, nhưng chưa bao giờ chấm dứt, đặc biệt là trong những thời điểm chênh lệch giá vàng nội - ngoại lên cao. Thời gian gần đây, có hiện tượng các nhóm đối tượng cắt nhỏ vàng thỏi để nhập vào trong nước tiêu thụ nên rất khó phát hiện. "Nóng" nhất là vàng lậu tuồn qua đường bộ Châu Đốc (tỉnh An Giang), phân phối qua nhiều đầu mối liên quan đến vàng nên rất khó xử lý. Các lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra, bắt quả tang vụ buôn lậu hàng chục kilôgam vàng qua khu vực cửa khẩu này.

Thực tế là thế, tuy nhiên, trong rất nhiều diễn đàn, khi lên tiếng về thành công của việc siết chặt quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đều cho rằng một trong những kết quả đạt được, đó là tình trạng buôn lậu vàng đã giảm. Sự thực, không ai phủ nhận thị trường vàng đã "đi vào khuôn khổ" sau Nghị định 24. Tuy nhiên, có một điều mà thị trường vàng vẫn không hề thay đổi, đó là trước và sau khi Nghị định 24 đi vào thực tế, chênh lệch giữa giá vàng nội và ngoại vẫn luôn giữ ở mức cao ngất ngưởng, với lúc đỉnh cao là gần 6 triệu đồng/lượng, và hiện đang đứng ở mức trên dưới 4 triệu đồng/lượng.

Trước sự chênh lệch một cách phi lý, hầu hết các chuyên gia về vàng nói riêng, các chuyên gia kinh tế nói chung, đều cho rằng cơ quan quản lý là NHNN "ép" vàng lậu giảm là điều phi logic. Nếu làm một phép so sánh đơn giản, lãi suất buôn lậu vàng không kém buôn ma túy. Mang 2 bánh heroin (1kg) qua biên giới có thể kiếm lãi khoảng 800-1.000 USD, nhưng mang 1kg vàng vào nội địa thời điểm này cũng kiếm được 150 triệu đồng, mà buôn vàng thì dễ hơn và nếu bị bắt, chịu án thấp hơn nhiều.

Hiến kế chống vàng lậu

Nhìn bao quát hơn về thị trường vàng từ trước đến nay, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết: thực ra vàng lậu là chuyện muôn thuở. Từ cách đây chục năm, Hội đồng Vàng thế giới thống kê năm 2003, Việt Nam tiêu thụ gần 60 tấn vàng, nhưng chỉ có 10 tấn được nhập chính thức, còn lại là nhập lậu. Và dù thực tế hiện nay, số vụ buôn lậu vàng bị phát hiện không nhiều, nhưng Hội đồng Vàng thế giới từ nhiều năm qua vẫn công bố Việt Nam là nước tiêu thụ rất nhiều vàng lậu.

Một minh chứng cho dòng chảy vàng lậu vẫn âm thầm diễn ra là, theo thống kê của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, mỗi năm, nhu cầu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức khoảng 20 tấn. Mấy năm gần đây, NHNN không cho phép doanh nghiệp (DN) nhập khẩu vàng nguyên liệu, song các DN vàng vẫn sản xuất ổn định, chứng tỏ lượng vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường được các DN thu mua vào rất lớn, trong đó có vàng lậu.

Nêu lý do khiến vàng lậu dễ hoành hành, một số chuyên gia kinh tế cho rằng do hiện nay, vàng nguyên liệu đang bị hạn chế nhập khẩu, dẫn đến khan hiếm nguồn, các DN cần vàng sẽ phải mua cả vàng trôi nổi trên thị trường, nên vàng lậu có đất tiêu thụ.

Vàng lậu nhắm đến nơi tiêu thụ là thị trường vàng trang sức.

Ông Vũ Minh Châu, TGĐ Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu cho biết: Vì không được nhập khẩu vàng miếng, các DN sản xuất vàng nữ trang phải lập hệ thống đại lý thu mua vàng nguyên liệu từ nhiều tỉnh trong cả nước. Song, chứng minh nguồn gốc xuất xứ là rất khó, nên việc trà trộn vàng lậu là điều mà các DN không thể phân biệt. Bên cạnh đó, việc áp thuế nhập khẩu cũng khiến cho giá vàng nhập chính thức kém hấp dẫn hơn so với hàng lậu.

Ngoài ra, một đặc điểm nữa là vàng lậu vẫn thắng thế do lợi thế "nhất cự ly, nhì tốc độ". Khi có nhu cầu, vàng lậu từ biên giới về TP HCM bằng đường bộ ngay trong ngày, thậm chí trong buổi, từ đó tỏa đi các nơi. Trong khi đó, các DN nếu được nhập vàng chính thức cũng phải mất khoảng ba ngày để đưa vàng về bằng đường hàng không...

Đồng quan điểm về tình trạng buôn lậu vàng đang rất "nóng", chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chênh lệch giá vàng cao ở Việt Nam là nguyên nhân chính dẫn tới gia tăng vàng lậu. Phân tích sâu hơn, ông Hiếu còn cho rằng nạn buôn lậu vàng là một trong những nguyên nhân đẩy tỷ giá dâng cao thời gian qua, do giới buôn lậu gom USD để mua vàng.

Thực tế, không phải chỉ các chuyên gia kinh tế trong nước mà ngay cả Trưởng văn phòng đại diện IMF ở Việt Nam cũng cho rằng chênh lệch giá vàng cao khiến nhiều người có xu hướng mua vàng nước ngoài về bán cho thị trường trong nước. "Không chỉ chảy máu ngoại tệ, mỗi lần giới buôn lậu "ăn hàng", thì giá USD lại nóng lên, tạo ra tâm lý bất an trong người dân", ông Hiếu khẳng định.

Hiến kế chồng vàng lậu, một chuyên gia vàng đề xuất NHNN nên từng bước "ghi danh" lượng vàng trong dân, biến hàng trăm tấn vàng không rõ xuất xứ thành vàng có xuất xứ. Cụ thể, NHNN cần từng bước thu mua vàng trong dân, dập ra vàng miếng SJC để thay thế dần. Với DN vàng trang sức, khi thu mua vàng nguyên liệu có thể là vàng vô danh, nhưng khi sản xuất ra, họ cũng phải định danh cho sản phẩm của mình theo một tiêu chuẩn chung của NHNN, tức phải có sê-ri, ký hiệu để NHNN kiểm soát…

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bình luận: "Thống đốc NHNN từng khẳng định, chênh lệch giá vàng 400.000 đồng/lượng là phù hợp. Sau đó, con số được coi là phù hợp này được người đứng đầu NHNN đưa lên mức 1 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đến nay, chênh lệch đã lên trên 5 triệu đồng/lượng. Khi thị trường vàng trong nước và thế giới không liên thông, chịu thiệt thòi đầu tiên là người dân mua vàng. Hơn nữa, chênh lệch giá vàng còn gây nhiều nguy cơ, nhất là nguy cơ vàng lậu tuồn vào Việt Nam".

Ngoài ra, ông Long cũng cho rằng, một hạn chế lớn nữa của thị trường vàng đó là mục tiêu đề ra là phải huy động được gần 500 tấn vàng đang nằm chết trong dân, tuy nhiên, cho đến thời điểm này, việc này vẫn đang giẫm chân tại chỗ. Trong khi đó, với tư cách là Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, ông Đinh Nho Bảng cho rằng một giải pháp nữa để hạn chế vàng lậu, là NHNN nên cho phép các DN sản xuất vàng trang sức được nhập khẩu vàng nguyên liệu từ nước ngoài, thay vì mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường hiện nay.