Thị trường vàng im lìm chờ… nhà quản lý

Giá vàng thế giới giảm mạnh từ cuối tháng 8 đến nay, trong khi vàng trong nước im lìm khiến khoảng cách giữa thị trường trong - ngoài nước dần doãng ra và đạt mức 5 triệu đồng/lượng vào ngày 22/9.

Điều này, theo các chuyên gia, đang thể hiện cơn sóng ngầm trên thị trường kim loại quý này…

Khoảng cách lớn bất thường

Sáng qua (23/9), Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý (SJC) niêm yết giá vàng SJC tại TP. HCM mua vào ở mức 35,83 triệu đồng/lượng và bán ra 35,95 triệu đồng/lượng. Còn Doji báo giá vàng mua vào SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 35,88 triệu đồng/lượng và 35,93 triệu đồng/lượng bán ra. Trước đó, ngày đầu tuần (22/9), giá bán vàng tại Doji giảm nhẹ xuống còn 36 triệu đồng/lượng, còn chiều mua ở 35,95 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng giao ngay tại châu Á chiều 23/9 ở mức 1.216,52 USD/ounce, tăng nhẹ 1,5 USD so với chốt phiên châu Âu chiều hôm trước đó. Như vậy, quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank (21.240VND/USD), giá vàng thế giới đang ở mức 31,13 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 4,82 triệu đồng/lượng (trước đó ngày 22/9, chênh lệch đạt 5 triệu đồng/lượng).

Lý giải về hiện tượng này, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc CTCP Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB) cho biết, giá vàng thế giới giảm xuống nhanh, trong khi giá vàng trong nước im lìm hoặc dao động rất nhẹ khiến chênh lệch trở nên lớn bất thường. Câu chuyện khiến thị trường đặt ra nhiều câu hỏi: phải chăng vàng trong nước đang khan hiếm, thị trường vàng không thực sự ổn định và nên chăng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tiếp tục bán vàng như cái cách mà cơ quan này đã thực hiện để kéo giá vàng trong nước sát với thế giới trước đó?

Vẫn đang ổn định?

Một lãnh đạo NHNN từng chia sẻ, cơ quan này tham gia bình ổn thị trường vàng không nhằm kéo giá trong nước ngay lập tức xuống sát với giá thế giới, mà chủ yếu là tăng cung để không xuất hiện các cơn sốt vàng. Nhờ đó, thời gian qua, nhu cầu đầu tư vàng tuy vẫn còn nhưng đã giảm mạnh, ngay cả ở những thời điểm thị trường biến động cũng không xảy ra hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng như trước đây.

"Tuy chênh lệch giá khá lớn, nhưng điều quan trọng là không còn những cơn sốt vàng, nên không tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô và tỷ giá", vị lãnh đạo trên nói.

Trong khi đó, giám đốc một công ty vàng nhận định, tạm thời thị trường vàng trong nước đang bình ổn, nhưng với những biến động, rủi ro địa chính trị ở nhiều khu vực… khiến giá vàng thế giới không ổn định. Do đó, nếu không bình ổn được giá vàng trong nước, lúc giá vàng đi trước giá vàng thế giới sẽ mồi thêm lửa cho hoạt động đầu cơ, còn nếu giá vàng trong nước đi sau giá vàng thế giới quá nhiều lại tạo ra động lực bán tháo, gây biến động trên thị trường.

"Tốt nhất giá vàng trong nước sát giá vàng thế giới sẽ an toàn hơn cho thị trường", vị giám đốc trên nói.

Liên quan đến tình trạng giá vàng trong nước không giảm theo vàng thế giới, ông Trần Thanh Hải cho rằng, do nguồn cung không có nên người dân không dám bán vàng chốt lời hay chuyển sang một danh mục đầu tư khác. NHNN giữ quyền cung vàng trong thời gian qua đã tạo ra tâm lý người dân giữ vàng khi thấy có sự chênh lệch vàng không ai dám bán, thậm chí đến DN cũng không dám bán vàng bởi sợ rằng bán xong không mua lại được.

Một chuyên gia tài chính nêu quan điểm, thực tế chưa có sự bình ổn của thị trường vàng. Có thể tạm thời thấy rằng thị trường không có sự xáo trộn nhưng không có nghĩa cung - cầu không bị mất cân bằng khi giá trong nước quá xa thế giới.

"Về lâu dài, cần có sự bình ổn về giá, mà cụ thể là giá vàng trong nước và thế giới chỉ nên chênh lệch trên dưới 1 triệu đồng trong một thời gian dài mới có nghĩa là bình ổn. Nếu chấp nhận một mức bình ổn tạm thời thì khoảng cách cũng chỉ nên ở mức 2 triệu đồng", vị chuyên gia này nói.

Có nên bán vàng can thiệp?

Ông Trần Thanh Hải chia sẻ, về lâu dài, bình ổn thị trường vàng không thể chỉ nhìn thấy vấn đề là người dân không đổ xô đi mua vàng. Chênh lệch giá vàng lớn sẽ phát sinh nhiều hệ lụy, như tình trạng buôn lậu, gây thiệt hại cho những người cần có nhu cầu tích lũy tài sản, thất thu ngân sách nhà nước, tỷ giá tăng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh lạm phát thấp, giá vàng trong nước cao hơn nhiều thế giới có nghĩa là cung - cầu đang bị chênh. Do vậy, thời điểm này NHNN nên tính đến việc quay trở lại bán vàng, giảm áp lực lên thị trường vàng và bớt áp lực lên tỷ giá.

"Giá vàng chênh lệch lớn sẽ khiến giới đầu cơ, buôn lậu tìm cách mua vàng trên thế giới rồi mang về bán trong nước. Việc NHNN tổ chức bán vàng vừa mang lại lợi ích cho số đông mà ngân sách nhà nước lại có nguồn thu", một chuyên gia nhấn mạnh.

Tuy nhiên, NHNN đã từng khẳng định, việc tổ chức đấu thầu vàng nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ là đưa sát giá vàng trong nước bám sát thế giới, chứ không phải là NHNN bình ổn giá vàng. Bởi theo Luật Giá, bình ổn giá là phải giữ giá ở mức nào đấy, nhưng giá vàng trong nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giá quốc tế, cung - cầu, tâm lý… Do vậy, cơ quan này khẳng định, các giải pháp đã, đang và sẽ triển khai thực hiện với mục tiêu xuyên suốt là bình ổn thị trường vàng, ổn định kinh tế vĩ mô, chống vàng hóa chứ không phải là bình ổn giá vàng.

Trong một tương quan khác, cũng có ý kiến cho rằng, thị trường vàng biến động những ngày qua là việc bình thường, cần thời gian khoảng 7 - 10 ngày nữa để theo dõi và có thể thị trường sẽ tự điều chỉnh từ từ về biên độ hợp lý mà không cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý.