Giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong những ngày đầu tháng 12-2014 đã sụt giảm hơn 10% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2013, do phải cạnh tranh gay gắt với các nhà xuất khẩu lớn là Thái Lan và Ấn Độ, và hiện có mức chào bán thấp hơn hai đối thủ cạnh tranh này, theo dữ liệu của trang thông tin chuyên nghiên cứu thị trường lúa gạo thế giới Oryza.com.
Theo phân tích của Oryza.com, chỉ số giá gạo trắng xuất khẩu trên thị trường thế giới hiện đang trong xu hướng giảm rất rõ. Chỉ số giá gạo trắng xuất khẩu trung bình toàn cầu, từ ngày 1 đến 5 tháng 12-2014, đạt 438 đô la Mỹ/tấn, giảm 17 đô la Mỹ/tấn so với mức bình quân của tháng trước và giảm đến 25 đô la Mỹ/tấn so với cùng kỳ năm 2013.
Nếu xét riêng từng nước, thì giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong khoảng thời gian trên được chào bán với giá 390 đô la Mỹ/tấn, giảm 45 đô la Mỹ/tấn so với tháng trước và cùng kỳ năm 2013; gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán với giá 410 đô la Mỹ/tấn, giảm 5 đô la Mỹ/tấn so với tháng trước và 15 đô la Mỹ/tấn so với cùng kỳ năm ngoái; tương tự, gạo 5% tấm của Ấn Độ được chào bán với giá 400 đô la Mỹ/tấn, giảm 15 đô la Mỹ/tấn so với tháng trước và 20 đô la Mỹ/tấn so với cùng kỳ năm 2013.
Giá gạo trên thị trường thế giới đồng loạt sụt giảm do lượng tồn kho của Thái Lan đứng ở mức cao khiến nước này buộc phải "xả hàng" trong khi sản lượng gạo tại Ấn Độ cũng đứng ở mức cao, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu gạo lớn, trong đó có Việt Nam.
Cách đây không lâu, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra con số dự báo về lượng gạo tồn kho của Thái Lan vào khoảng 13 triệu tấn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia phân tích ngành lúa gạo của Việt Nam, dẫn số liệu thống kê của Thái Lan, cho thấy tồn kho của quốc gia này đã lên đến 19 triệu tấn, tức cao hơn dự báo của USDA đến khoảng 6 triệu tấn.
Theo phân tích của ông Bích, với lượng gạo tồn kho lớn như vậy và chất lượng gạo đang trong tình trạng xuống cấp nhanh chóng nên Thái Lan nỗ lực xả kho bằng mọi giá. "Vì vậy, thị trường gạo thế giới đang trong xu hướng giảm giá cũng là điều tất yếu," ông Bích nói.
Một nguyên nhân khác có tác động đến thị trường lúa gạo thế giới, theo ông Bích, là Ấn Độ đang vào vụ (vụ gieo trồng Kharif từ tháng 6 đến tháng 12 hàng năm) với sản lượng tính đến cuối tháng 10-2014 đạt 38,18 triệu tấn, chỉ giảm nhẹ khoảng 180.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Với bối cảnh thị trường thế giới như đã phân tích ở trên, ông Bích cho rằng để cạnh tranh được với Thái Lan, bắt buộc Ấn Độ phải hạ giá bán theo đà suy giảm của Thái Lan. "Mà động thái của Thái Lan và Ấn Độ như vậy, thì dứt khoát Việt Nam phải hạ giá theo, nếu không chúng ta sẽ không cạnh tranh lại", ông cho biết.
Giá gạo xuất khẩu sụt giảm đã kéo theo giá lúa gạo thị trường nội địa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm mạnh.
Cụ thể, theo bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc doanh nghiệp gạo Yến Ngọc (TP.HCM), hiện gạo nguyên liệu của giống IR 50404 tại chợ đầu mối Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang được giao dịch ở mức 6.800-6.900 đồng/kg, giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với mức giá cách đây hơn 1 tháng.
Riêng đối với giá lúa, hiện lúa IR 50404 tươi tại ĐBSCL có giá dao động khoảng 4.500-4.600 đồng/kg và 4.700-4.900 đồng/kg đối với các giống lúa hạt dài như OM 6976, OM 5451.
Theo bà Yến, ngoài xu hướng giảm giá chung của thế giới, việc gạo tiểu ngạch đi Trung Quốc bị đình trệ cũng là nguyên nhân kéo giá lúa gạo nội địa sụt giảm mạnh trở lại thời gian gần đây.
Ông Bích dự báo là từ nay đến cuối năm, thậm chí sang đầu năm 2015, giá lúa gạo vẫn trong xu hướng giảm rõ nét.
Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 11-2014, xuất khẩu gạo của doanh nghiệp hội viên đơn vị này đạt gần 485.000 tấn, trị giá FOB đạt trên 225 triệu đô la Mỹ. Lũy kế xuất khẩu gạo từ đầu năm đến ngày 30-11-2014 đạt 5,8 triệu tấn, trị giá FOB đạt trên 2,5 tỉ đô la Mỹ.