Thị trường cà phê sẽ còn khó khăn?

Niên vụ cà phê 2014/2015 đã đi được gần một nửa trong bối cảnh giá cà phê không được như kỳ vọng. Nhiều hộ nông dân có điều kiện vẫn đang quyết tâm găm cà phê lại chờ giá lên, nhưng diễn biến thị trường cà phê trong thời gian tới lại không dễ như những tính toán.

Xuất khẩu giảm mạnh

So với cùng kỳ năm ngoái, XK cà phê trong những tháng đầu năm nay giảm khá nhiều. Theo Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng qua, XK cà phê của nước ta là 241 ngàn tấn, đạt giá trị 511 triệu USD. Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng cà phê đã XK giảm tới 25,3% và giá trị giảm 16,4%.

Vì sao XK cà phê đầu năm nay giảm mạnh? Có lẽ một nguyên nhân quan trọng là do sản lượng giảm, bởi nông dân trồng cà phê ở nhiều địa phương bị mất mùa do hạn hán.

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, trong niên vụ 2014-2015, ước chỉ có khoảng 60% diện tích trồng cà phê đủ nước tưới. Thêm vào đó là một diện tích lớn cà phê già cỗi chưa được tái canh cũng ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất, sản lượng cà phê … Vì thế nhiều khả năng niên vụ này sẽ giảm sản lượng từ 20-25% so với niên vụ trước.

Bên cạnh đó, theo nhận định của một số doanh nhân, việc nhiều hộ nông dân chủ động găm cà phê lại chờ giá lên cao mới bán ra, cũng khiến cho lượng cà phê XK giảm nhiều.

Thời gian qua, giá cà phê thế giới ở mức 2.000 USD-2.100 USD/tấn, nhưng các DN không tìm được nguồn hàng để XK do nông dân ít bán ra, thành ra lỡ cơ hội tốt khi cà phê được giá. Không chỉ các doanh nhân trong nước mà cả các doanh nhân, chuyên gia cà phê quốc tế cũng biết việc nông dân Việt Nam chủ động găm cà phê lại chờ giá cao mới bán.

Thông tin từ Bộ Công thương cho hay, trong tuần trước, bên lề cuộc họp của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), nhiều chuyên gia về cà phê đã có chung nhận định rằng, nhiều nông dân Việt Nam nhờ đã có nền tảng tài chính tương đối vững vàng nên chưa muốn bán cà phê ra khi giá còn thấp như hiện nay.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người trồng cà phê ở Tây Nguyên, nông dân găm cà phê lại chờ giá lên cao là có, nhưng chỉ là số ít những hộ có điều kiện. Còn phần lớn các hộ trồng cà phê, đều đã bán ngay sau khi mới thu hoạch. Như vậy, nhiều khả năng một lượng không nhỏ cà phê đang bị mua bán lòng vòng trong nước mà chưa đi được ra nước ngoài.

Thị trường khó lường

Hiện tại, giá cà phê nhân xô ở khu vực Tây Nguyên vẫn đang ở mức thấp, dưới 40 ngàn đ/kg. Cụ thể, trong tuần qua, dù có tăng theo giá thế giới, với mức tăng 100-200 đ/kg so với trước đó, nhưng giá cà phê nhân xô vẫn chỉ đang ở mức 38.400-39.200 đ/kg.

Dẫu vậy, nhiều hộ nông dân có điều kiện vẫn đang tiếp tục quyết tâm găm cà phê lại, chờ giá có thể tăng lên mức trên 40 ngàn đ/kg trong tháng 3 này hoặc chậm lắm là tháng 4 tới.

Sở dĩ nhiều nông dân vẫn quyết tâm găm hàng chờ giá cà phê lên cao, là bởi họ tin rằng với việc sản lượng cà phê Việt Nam bị giảm nhiều do mất mùa, nguồn cung hạn chế, giá sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, những dự báo của ICO về việc giá cà phê có thể tăng trong vài tháng tới do thiếu hụt nguồn cung, càng củng cố thêm quyết tâm găm hàng của nhiều hộ trồng cà phê.

Hơn nữa việc giá cà phê thế giới vừa tăng trong tuần qua cũng góp phần kích thích nông dân tiếp tục giữ hàng. Trong phiên giao dịch ngày 6/3, trên sàn London, cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 3/2015 tăng 6 USD/tấn lên 1.840 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 5/2015 tăng 19 USD/tấn lên 1.875 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 7/2015 tăng 17 USD/tấn lên 1.900 USD/tấn; và kỳ hạn giao tháng 9/2015 tăng 17 USD/tấn lên 1.925 USD/tấn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Bình, một chuyên gia về thị trường cà phê, đầu ra cho cà phê Rubosta vẫn đang rất khó khăn. Trước hết là do ở sàn New York, cà phê Arabia đang được bán mạnh, khiến cho cà phê Robusta khó tiêu thụ.

Bên cạnh đó, vừa qua lượng giao dịch ảo cà phê Robusta khá nhiều. Tại sàn London, ước tính có khoảng 230 ngàn tấn cà phê được giao dịch là hợp đồng kỳ hạn bán khống. Trong khi đó, các DN Việt Nam cũng đã ký hợp đồng bán một số lô hàng cà phê nhưng chưa chốt giá, với lượng cà phê vào khoảng 200-300 ngàn tấn.

Vì vậy, yếu tố quyết định tới giá cà phê trong thời gian tới sẽ nằm ở chỗ các DN đã ký bán cà phê cho khách hàng nước ngoài mà chưa chốt giá, có chốt được giá bán hay không. Còn yếu tố cung - cầu hiện nay gần như không có ý nghĩa trong việc tác động tới thị trường cà phê.

Bằng chứng là dù ngành cà phê Brazil bị ảnh hưởng bởi hạn hán, nhưng ở sàn New York, trong thời gian qua, hoạt động mua bán cà phê Arabica vẫn diễn ra mạnh mẽ, chứng tỏ hoạt động ở sàn này đã tách khỏi yếu tố cung - cầu.

Chính điều này đã ảnh hưởng mạnh tới hoạt động mua bán cà phê Robusta ở sàn London. Mặt khác, một trong những nước cạnh tranh trực tiếp với cà phê Robusta của Việt Nam là Indonesia cũng đang chuẩn bị thu hoạch cà phê. Thành ra, trong những tháng tới, thị trường cà phê Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.