Petrolimex xin chi Quỹ bình ổn xăng dầu khi giá giảm
Từ đầu năm 2015, giá xăng dầu trong nước đã có sáu lần giảm và bốn lần tăng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng mức giảm giá bán lẻ trong nước chưa tương xứng với giá thế giới. Trong khi đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II-2015 cho hay Petrolimex đã đạt lợi nhuận hợp nhất sau thuế trên 1.125 tỉ đồng gần gấp ba lần cùng kỳ (cùng kỳ năm trước chỉ lãi khoảng 414 tỉ đồng). Như vậy tính chung sáu tháng đầu năm, Petrolimex lãi 1.586 tỉ đồng. Đáng lưu ý, chi phí tài chính sáu tháng đầu năm của Petrolimex là 1.524 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm 2014 nhưng Petrolimex vẫn đạt mức lợi nhuận kể trên.
Bộ Công Thương: Thuế, phí tăng nên giá tăng
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết giá xăng dầu trong nước được điều hành dựa trên sự biến động của giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu. Giá cơ sở được cấu thành bởi nhiều yếu tố như giá xăng dầu thành phẩm thế giới, tỉ giá ngoại tệ, chi phí kinh doanh định mức, thuế nhập khẩu, thuế môi trường,… Khi các yếu tố này biến động sẽ làm giá cơ sở thay đổi, dẫn đến giá trong nước biến động theo.
Vị này cho rằng trong các yếu tố cấu thành giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu, nếu như chỉ có yếu tố giá thành phẩm xăng dầu thế giới thay đổi còn các yếu tố khác không thay đổi thì tỉ lệ biến động của giá cơ sở và giá bán lẻ tương ứng với tỉ lệ biến động của giá thành phẩm thế giới.
Tuy nhiên, trên thực tế điều hành giá xăng dầu thời gian qua cho thấy không chỉ riêng giá thành phẩm thế giới thay đổi mà các yếu tố khác cũng thay đổi dẫn đến giá cơ sở và giá bán lẻ có tỉ lệ biến động không tương ứng với tỉ lệ biến động của giá thành phẩm thế giới.
Người tiêu dùng vẫn chịu thiệt khi giá xăng dầu biến đổi. Ảnh: HTD
Vị này lấy dẫn chứng những tháng đầu năm 2014, chi phí kinh doanh định mức đối với xăng RON 92 là 860 đồng/lít, thuế suất nhập khẩu 18%, thuế môi trường là 1.000 đồng/lít, tỉ giá bình quân 21.036 đồng. Thế nhưng những tháng đầu năm 2015, chi phí kinh doanh định mức đã lên 1.050 đồng, thuế nhập khẩu có giai đoạn 35%, thuế môi trường 3.000 đồng, tỉ giá 21.673 đồng. Điều này lý giải tại sao giá thành phẩm xăng dầu thế giới sáu tháng đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ nhưng giá bán lẻ trong nước có mức tăng không tương xứng với mức giảm giá xăng dầu thành phẩm.
Chuyên gia: Lợi cho DN, thiệt cho dân
TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, cho rằng nguyên nhân lỗ lãi của Petrolimex phần lớn phụ thuộc vào mức lên xuống của giá thế giới. Năm 2014, khi giá xăng dầu giảm mạnh, tập đoàn này có kết quả kinh doanh lỗ trong hai quý đầu năm. Tuy nhiên, năm nay khi giá xăng dầu có xu hướng hồi phục, việc kinh doanh của Petrolimex sẽ có lãi.
Tuy nhiên, theo ông Long, việc cơ quan quản lý quy định chi phí định mức kinh doanh và lợi nhuận định mức cho DN xăng dầu đã tạo những lợi ích cho DN. “Đặc biệt, các chi phí này đều tính vào giá cơ sở, người tiêu dùng phải gánh, trong khi DN nghiễm nhiên được khoản lợi nhuận này” - ông Long phân tích.
Theo quy định cơ cấu giá cơ sở, chi phí định mức kinh doanh mỗi lít xăng RON 92 là 1.050 đồng (trước đây 860 đồng) và lợi nhuận định mức là 300 đồng. Ông Long cho rằng đã đến lúc cần bỏ các khoản lợi nhuận định mức và chi phí định mức này. “Cơ quan quản lý chỉ nên giữ Quỹ bình ổn giá để xử lý các tình huống giá tăng bất thường. Tuy nhiên, quỹ này nên có sự tham gia của DN đóng góp thay vì chỉ người tiêu dùng đóng góp như hiện nay” - ông Long đề xuất.
Đồng tình vấn đề này, một chuyên gia khác cũng đề nghị cơ quan quản lý nên tính toán lại chi phí định mức và lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá xăng dầu, giúp giảm gánh nặng cho người tiêu dùng.
Thông tư liên tịch 39/2014 của Bộ Công Thương - Tài chính có hiệu lực từ 1-11-2014 quy định chi phí định mức kinh doanh đối với xăng sẽ được nâng lên 1.050 đồng/lít thay cho 860 đồng/lít. Trước đó, rất nhiều DN kinh doanh xăng dầu “than” chi phí định mức kinh doanh xăng dầu 860 đồng không sát thực tế và cho biết hiện tại DN phải chi trả đến 1.300 đồng/lít cho chi phí kinh doanh. |