Trong một hội nghị về xăng dầu tổ chức vào tuần trước, tập đoàn dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc là CNOOC cho biết nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới này đặt mục tiêu sẽ sản xuất được 30 tỷ mét khối khí đá phiến vào năm 2020, tăng khoảng 23 lần so với mức 1,3 tỷ mét khối hiện nay.
Con số đó sẽ giúp nâng tỷ trọng sản lượng khí đá phiến từ mức chỉ 1% tổng sản lượng khí của Trung Quốc lên 15% trong vòng 5 năm.
Ông Chen Weidong, chuyên gia năng lượng và là giám đốc nghiên cứu của CNOOC, cho biết năm 2014, nước này đã có 200 giếng khoan mới, đưa tổng số giếng khoan lên 400, và chắc chăn sẽ có thêm vài trăm giếng khoan nữa.
Ông Chen Weidong
Chính phủ Trung Quốc đang đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc lớn vào than đá, hiện chiếm khoảng 2/3 sức tiêu thụ năng lượng của nước này.
Trung Quốc muốn chuyển sang các loại nhiên liệu sạch hơn trong bối cảnh Thủ đô Bắc Kinh đang phải đối mặt với mức độ ô nhiễm cao. Trong tháng 1/2015, mức độ ô nhiễm ở đây cao gấp 20 lần mức độ cho phép theo chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới.
Ông Chen cho biết trong hơn 10 năm qua, số ca ung thư tại Bắc Kinh đã tăng tới 45%, nên mọi người đều hiểu rằng thách thức đầu tiên về năng lượng là vấn đề bền vững.
Trung Quốc đã chuẩn bị cho cuộc cách mạng khí đá phiến từ năm 2012 khi chính phủ tuyên bố sẽ bắt đầu khai thác và sẽ sản xuất 60-80 tỷ mét khối/năm vào năm 2020.
Tuy nhiên, đó có vẻ là mục tiêu quá tham vọng, nên Trung Quốc đã hạ mục tiêu đó xuống còn 30 tỷ mét khối vào năm 2014 do điều kiện khai thác có vẻ phức tạp hơn dự kiến.
Các dự án năng lượng của Trung Quốc còn thiếu công nghệ và đội ngũ lãnh đạo, những thứ hiện đang làm cho sản lượng dầu mỏ tại Mỹ bùng nổ và là nguyên nhân lớn gây ra đợt giảm mạnh trên thị trường dầu mỏ hiện nay.
Nếu hoạt động khai thác khí đá phiến của Trung Quốc tăng mạnh, nó cũng sẽ gây chấn động cho thị trường, nhưng điều này ít có khả năng xảy ra.
Ông Chen cho biết, Trung Quốc đã trở thành nước sản xuất khí đá phiến lớn thứ hai thế giới trong năm 2014. Tuy nhiên, ông dự đoán Trung Quốc sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu trong 5 năm tới do sản lượng trong nước không theo kịp tốc độ tăng của nhu cầu.
Năm 2014, nhập khẩu chiếm khoảng 31%, nhưng đến năm 2020 con số này sẽ tăng lên 40-50%, và nguồn nhập khẩu sẽ chủ yếu đến từ Nga và Turkmenistan.