Thái Lan tìm cách nâng giá gạo, Việt Nam mong hưởng lợi

Hiện Chính phủ Thái Lan đang phải bù lỗ cho chương trình trợ giá gạo của chính phủ tiền nhiệm, song vẫn tiếp tục hỗ trợ nông dân tạm trữ gạo với kỳ vọng giá gạo sẽ tăng. Ở Việt Nam, doanh nghiệp cũng hy vọng giá gạo sẽ tăng trong thời gian tới.

Hiện giá gạo 5% tấm của Thái dao động trong khoảng 405-415 đô la Mỹ/tấn, thấp hơn khoảng 10-15 đô la Mỹ/tấn so với thời điểm đầu tháng 11. Mức giá hiện tại cũng thấp hơn khoảng 100 đô la Mỹ/tấn so với cách đây 5 năm.
Mới đây, Chính phủ Thái Lan đã phát hành trái phiếu trị giá 1,5 tỉ đô la Mỹ (50 tỉ baht) để có tiền thanh toán các khoản nợ liên quan đến chương trình trợ giá gạo trước đây. Tính đến tháng 11-2013, Chính phủ Thái Lan phải gánh khoản lỗ 680 tỉ baht, tương đương 21 tỉ đô la Mỹ từ 11 chương trình trợ giá gạo kể từ năm 2004.
Để giá gạo tăng trở lại, Thái Lan kêu gọi nông dân nước này hoãn bán gạo ra thị trường và đưa gạo vào tạm trữ, dự kiến khoảng 2 triệu tấn, và trả cho nông dân 1.000 baht/tấn (khoảng 77 đô la Mỹ/tấn) để đảm bảo gạo dự trữ trong tình trạng tốt.
Những người đưa ra chính sách này kỳ vọng việc nông dân Thái Lan tạm thời ngưng bán gạo sẽ đẩy giá gạo trên thị trường thế giới tăng thêm khoảng 8.500 bath, tương đương 263 đô la Mỹ/tấn.
Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) việc Thái Lan hỗ trợ nông dân tạm trữ gạo nhằm điều tiết thị trường sẽ phần nào giúp những quốc gia xuất khẩu gạo như Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan được hưởng lợi.
Một chuyên gia của VFA giải thích, sẽ có hai kịch bản xảy ra khi Thái Lan dự trữ gạo: Một là, động thái này không chỉ đẩy giá gạo của Thái Lan lên mà giá gạo các nước cũng tăng theo do cầu nhiều hơn cung. Hai là, có thể tái diễn một kịch bản đã từng xảy ra cách đây mấy năm: Thái Lan dự trữ gạo trong kho sẽ khuyến khích các quốc gia sản xuất lúa gạo như Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan… sản xuất nhiều hơn vì gạo được giá.
Trong vài năm qua, nhờ động thái dự trữ của Thái Lan nên giá gạo Việt Nam đã tăng cao, vượt qua giá gạo Thái. Diễn biến này có thể lặp lại trong năm 2015, giúp Việt Nam hưởng lợi. Tuy vậy vẫn có rủi ro nếu Thái ngưng hoạt động hỗ trợ nông dân và bán gạo dự trữ ra thị trường.
"Đó là những phân tích dựa trên dữ liệu hiện nay, song nhiều yếu tố khác cũng chi phối giá gạo của Việt Nam trong năm 2015 như sức mua của thị trường Trung Quốc và Philippines", ông này nói.
Theo trang thông tin về gạo Oryza.com, trong năm 2015 Philippines có kế hoạch nhập khẩu khoảng 600.000 tấn gạo để đáp ứng nhu cầu nội địa. Hiện nước này đang đàm phán với Bangladesh về những hợp đồng cho năm tới.
Năm nay, Philippines đã nhập 1,8 triệu tấn gạo, trong đó có 300.000 tấn là từ hợp đồng đã ký từ năm 2013.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 11 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 6 triệu tấn gạo, thu về gần 2,8 tỉ đô la Mỹ, giảm gần 3% về lượng nhưng lại tăng gần 2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2014 đạt hơn 460 đô la Mỹ/tấn, tăng 4,61% so với cùng kỳ năm 2013. Thị trường lớn nhất trong 10 tháng đầu năm 2014 là Trung Quốc với hơn 31%; tiếp đến là thị trường Philippines gần 22%.