Thái Lan 'nhà bếp thế giới', VN thì sao?

Trong khi Thái Lan luôn xác định rõ hình mẫu của ngành nông nghiệp nước họ đang và sẽ theo đuổi là "cái bếp của thế giới", thì với vị trí địa chính trị của mình, VN vẫn chưa biết rõ sẽ là cái kho lương thực hay làm "người vận chuyển".

Đi tìm triết lý

Trong chuyến công tác đến một tỉnh Miền Trung vừa rồi, tôi cảm nhận được nhiều hơn về cái nghèo của một bộ phận không nhỏ người dân đang sống ở nông thôn. Hầu hết những người (gần 100 hộ) mà tôi được gặp và trao đổi, không có ai kêu ca hay phàn nàn gì, nhưng cuộc sống đều nghèo và thiếu hướng đi. Có lẽ ở lâu trong cái vòng nghèo khó đã khiến họ trở nên thụ động và dần dần an phận với cái nghèo của mình.

Tôi từng tham dự rất nhiều hội thảo của ngành Nông nghiệp được tổ chức ở các khách sạn 4 đến 5 sao tại Hà Nội, nơi người ta bàn bạc về các giải pháp, chính sách giảm nghèo cho người dân nông thôn, nơi Đề án Tam Nông được mọi người thảo luận xung quanh ly cà phê thơm phức được nhập khẩu từ Ethiopia, hay những miếng Pho mát béo ngậy có nguồn gốc từ những con bò của nước Bỉ xa xôi. Các ý kiến đóng góp của những người được coi là tâm huyết với nghề nông, nông dân và nông thôn Việt Nam hình như chỉ được ghi lại và lưu giữ trong các cuốn kỷ yếu hội thảo.

Tuy văn hóa có nhiều nét tương đồng, nhưng tôi cho rằng bối cảnh xã hội và đặc điểm, cấu trúc làng xã của Việt Nam và TQ là tương đối khác nhau, do vậy không nhất thiết bên họ có Tam Nông thì nước mình cũng phải có một chương trình có cái tên như vậy. Lâu nay, chúng ta ít khi tự nghĩ ra cái gì đó của riêng mình nên cứ khi nào thấy cái mới và hay ho của thiên hạ thì hồ hởi đón nhận và hăm hở ứng dụng cho dù chỉ mới hiểu được phần ngọn của vấn đề.

nông nghiệp, nông thôn, kinh tế, chính trị, Thái Lan, Trung Quốc, VN, thành thị, tam nông, nông thôn

Với vị trí địa chính trị của mình, VN vẫn chưa biết rõ sẽ là cái kho lương thực hay làm "người vận chuyển". Ảnh minh họa

Trong khi người TQ làm Tam Nông từ năm 2006 với mục đích sâu xa là giải quyết tận gốc (rễ) các vấn đề của nông thôn nước họ, bao gồm (i) Gia tăng bất bình đẳng so với TP trong thu nhập, cơ hội việc làm, giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng, v.v., (ii) Ưu tiên và đối xử của Chính quyền TW đối với nông dân trước kia quá thấp, và (iii) Lạm quyền và vi phạm quyền con người của nhiều cán bộ nhà nước tại khu vực nông thôn, thì Tam Nông của chúng ta dường như chỉ chú trọng vào chỉ tiêu hơn là phương pháp tiếp cận.

Cái "hồn cốt" của chương trình này đã hầu như biến mất khi được du nhập vào VN. Tam Nông Việt Nam có xu hướng mang lại cho người dân một bộ mặt nông thôn mới với chất xúc tác là nguồn đầu tư của ngân sách nhà nước (theo bề nổi) hơn là tìm ra cách giải quyết các nguyên nhân căn bản của vấn đề nghèo đói vốn không phải lúc nào cũng có thể định lượng được bằng các con số như GDP/đầu người.v.v. Có thể thấy, trong tổng số 19 tiêu chí nông thôn mới đã được ban hành, có tiêu chí thiếu tính thực tiễn và đặc biệt không có bất kỳ tiêu chí nào nói về vấn đề Quản trị hay trách nhiệm giải trình của Chính quyền cấp cơ sở.

Giống như nhiều lĩnh vực khác ở nước ta hiện nay, những người làm chính sách của ngành nông nghiệp và nông thôn của Việt Nam có lẽ chưa bao giờ đưa ra được một hình tượng hay một bức tranh của ngành này trong tương lai. Nhiều lúc chúng ta hay đưa ra kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm và tầm nhìn 20 năm, nhưng tôi tin chắc rằng có rất ít LĐ ngành nông nghiệp thực sự có thể nhìn thấy hay hình dung được chuyện gì sẽ xảy ra trong 20 năm tới.

Trong khi Thái Lan luôn xác định rõ hình mẫu của ngành nông nghiệp nước họ đang và sẽ theo đuổi là "nhà bếp của thế giới", thì với vị trí địa chính trị của mình Việt Nam chúng ta vẫn chưa biết rõ sẽ là cái kho lương thực hay làm "người vận chuyển". Câu hỏi này đã được tôi nhiều lần đưa ra tại các cuộc hội thảo, nhưng không được phản hồi một cách thỏa đáng.

Những gì đang chờ đợi phía trước

Theo nhiều nghiên cứu, ngành nông nghiệp đang ngày càng không mang lại lợi nhuận cho những nông hộ nhỏ (chiếm tới 98% trên tổng số 10 triệu hộ nông dân làm nông nghiệp ở Việt Nam), khiến cho rất nhiều nơi nông dân bỏ ruộng. Ngành Thủy sản đang bị các Công ty của Nhật Bản và Hàn Quốc thôn tính, trong khi bị cạnh tranh từ sự vươn lên mạnh mẽ của Thủy sản Thái Lan.

Ngoài ra hơn 75% ngành chăn nuôi của chúng ta đang chịu sự kiểm soát của các Công ty nước ngoài. Bên cạnh đó, khả năng bảo hộ của Nhà nước ta sẽ bị giảm đi đáng kể khi chúng ta thực hiện hiệp định thuế quan ASEAN vào đầu năm 2015 cùng các hiệp định thương mại khác như TPP. Các tác động này cộng với Toàn cầu hóa sẽ làm cho nông dân Việt Nam trở nên dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Kết cục như thế nào, có thể dễ dàng nhìn thấy nếu như chúng ta không thay đổi và chuẩn bị sẵn sàng ngay từ lâu rồi mới phải.

Bất cập trong quản lý cùng sự phối hợp thiếu đồng bộ (thậm chí lỏng lẻo) của các Bộ ngành liên quan khiến cho người làm nông nghiệp luôn bị thiệt thòi về giá nông sản , làm cho nông dân ở một số nơi không yên tâm canh tác. Lợi nhuận đến từ trồng trọt và chăn nuôi đang xuống thấp đến mức kỷ lục, chưa kế đến các rủi ro ngày càng gia tăng do dịch bệnh và thiên tai. Phương châm "ly nông bất ly hương" đang ngày càng cho thấy đây không phải là một giải pháp hợp lý khi có nhiều người dân trên khắp đất nước không có sinh kế thay thế.

Tuy đang là thời bình, nhưng ở các làng quê luôn thiếu vắng bóng thanh niên. Chán cảnh làm nông nên các cô gái trẻ lên TP và các khu chế xuất làm công nhân hoặc bán hàng cho các cửa hiệu. Trai tráng rời bỏ làng quê lên TP làm đủ các nghề, trong đó chủ yếu là bán sức lao động theo ngày. Phụ nữ trung tuổi, nhiều người để lại con cái cho chồng chăm sóc để đi làm Osin cho các gia đình khá giả. Bất chấp các rủi ro có thể xảy đến do nạn bạo hành, phân biệt đối xử, an toàn lao động, và tệ nạn xã hội, mỗi ngày đội ngũ này cứ một đông thêm nơi phố thị, bởi một lý do rất đơn giản - thu nhập cao hơn rất nhiều so với ở lại quê hương để làm nông.

Đến đây, tôi chợt nhớ đến con số 1,84% liên quan đến tỷ lệ thất nghiệp của cả nước, quý 3 năm 2014 do Bộ LĐTB & XH công bố hồi tháng 9. Thành tích này chắc không thể thiếu sự đóng góp quan trọng của CT Tam Nông, bởi chính nhờ các chỉ tiêu của nó mà chúng ta mới có được một chỉ số mà rất nhiều đất nước phát triển luôn thèm muốn. Thiếu công ăn việc làm và thu nhập thấp nơi thôn quê đã đưa một lượng lớn lao động trẻ lên TP và dù công việc cùng thu nhập rất bấp bênh, nhưng họ vẫn được xếp vào diện có công ăn việc làm ở quê và vẫn được tính vào mục "nghề nông" vì yếu tố hộ khẩu.

Sẽ thật đơn giản khi chúng ta nói hộ, nghĩ hộ những người nông dân. Nhưng đã bao giờ những "chủ thể chịu trách nhiệm" thử đi sâu tìm hiểu xem người dân thực sự muốn gì?

Vị thế và đời sống của người nông dân chỉ thực sự đổi thay và no ấm khi họ là chủ nhân của chính các chương trình, dự án phát triển trên làng quê của họ - chỉ khi đó các giá trị bản địa và sức mạnh nội tại mới có cơ hội phát huy và này nở.

Tam Nông sẽ thực sự là một chương trình tạo nên sự chuyển mình cho gần 70% dân số Việt Nam khi nó hội đủ ba trong một, đó là (i) Một tầm nhìn chiến lược sâu và rộng cùng định hướng dài hạn cho nông thôn Việt Nam; (ii) Tạo quyền và phát huy sức mạnh nội tại cùng tính sáng tạo của người nông dân Việt; và (iii) Của nông dân, thuộc về nông thôn, do chính nông dân tham gia thực hiện, vì nhu cầu và quyền lợi của nông dân với nền tảng từ một nền nông nghiệp bền vững và tiên tiến.

Đến lúc đó, người dân sẽ tự biết cần phải làm gì để thoát nghèo và mùi café Việt có thể thơm lừng tại các hội nghị Quốc tế trên khắp năm châu.