Thái Lan, Malaysia ủng hộ kế hoạch giá sàn cao su 1,5 USD/kg

Các nhà sản xuất cao su Thái Lan, Malaysia đã bày tỏ sự ủng hộ đề xuất thiết lập giá sàn cao su 1,5 USD/kg của Indonesia nhằm kiềm chế giá giảm.

Tuy nhiên, giá cao su kỳ hạn trên sàn Tokyo và Singapore hôm thứ Tư 1/10 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ 2009, cho thấy các nhà sản xuất cần phải có hành động quyết liệt hơn nữa.

Những nỗ lực hỗ trợ giá trước kia của Indonesia, Thái Lan và Malaysia - chiếm hơn 70% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu - có kết quả rất hạn chế khi phải đối mặt với dư cung và nhu cầu yếu của thị trường Trung Quốc.

Một thương nhân tại Jakarta cho biết, các nhà sản xuất cao su Indonesia đã ngừng các lô hàng cao su SIR20 - dùng trong sản xuất lốp xe do giá liên tục giảm. Cao su SIR20 Indonesia, thường rẻ nhất tại Đông Nam Á, hiện có giá 1,4 USD/kg, trong khi chi phí sản xuất là 1,6-2 USD/kg.

Hầu hết các nhà sản xuất cao su Indonesia không thể bắt kịp xu thế giảm giá do vậy, họ chọn cách chờ đợi.

Tại Malaysia giá cao su SMR20 đang có giá 1,44-1,45 USD/kg. Theo một thương nhân Malaysia cho biết, làm thế nào có thể thiết lập được một mức giá và bắt mọi người tuân thủ nếu nhu cầu yếu như hiện nay?

Tại Việt Nam, giá cao su SVR3L hôm thứ Tư giảm xuống 1,485 USD/kg từ 1,495 USD hôm thứ Ba. Đến nay, các nhà xuất khẩu Việt Nam chưa thực hiện hay ký bất kỳ kế hoạch giá sàn nào.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức cao su tại Malaysia và Thái Lan cho biết, họ sẽ ủng hộ kế hoạch của Hiệp hội Cao su Indonesia (GAPKINDO) trong việc nỗ lực thuyết phục các nhà sản xuất và xuất khẩu không bán cao su với giá dưới 1,5 USD/kg.

Hiệp hội Cao su Thái Lan cho biết đã gửi thông báo của GAPKINDO đến các thành viên Hiệp hội đề nghị hợp tác, không chào bán cao su với giá dưới 1,5 USD/kg. Theo Hiệp hội Cao su Thái Lan, biện pháp này sẽ kiềm chế giá cao su giảm sâu hơn nữa và phục hồi lòng tin thị trường.

Salmiah Ahmad, Tổng giám đốc Ủy ban Cao su Malaysia, cho biết, Ủy ban cũng ủng hộ kế hoạch của GAPKINDO.

Thị trường Trung Quốc đóng cửa nghỉ Tuần lễ Vàng nhân dịp Quốc khánh càng gây thêm sức ép lên thị trường cao su.

Giá cao su giao tháng 3/2015 trên sàn Tokyo giảm hơn 4% xuống 175,5 yen (1.599 USD)/kg, thấp nhất kể từ tháng 7/2009. Trong khi đó, giá cao su giao tháng 11 trên sàn SICOM Singapore giảm xuống 137,4 cent/kg, thấp nhất kể từ năm 2009.

Indonesia, Thái Lan và Malaysia năm 2012-2013 đã nhất trí giảm 300.000 tấn khối lượng cao su xuất khẩu, chiếm khoảng 3% tổng sản lượng cao su năm 2012.

Phản ứng trước động thái này, giá cao su tăng lên như sau đó lại giảm do lo ngại khủng hoảng nợ tại châu Âu có thể làm giảm nhu cầu.

Indonesia, nước sản xuất cao su lớn thứ 2 thế giới, sau đó đã kêu gọi dừng thỏa thuận này và cho rằng đây không phải là biện pháp tốt nhất.