Thái Lan, Indonesia và Malaysia "bắt tay" đẩy giá cao su

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thái Lan Pitipong Puengboon na Ayudhya sẽ có cuộc gặp với những người đồng cấp của Indonesia và Malaysia tại Kuala Lumpur vào ngày 20/11 nhằm đi đến nhất trí chung về giá cao su, thời gian gần đây suy giảm mạnh do lượng xuất khẩu tăng.


Mặc dù đã đạt được thỏa hiệp trước đó, song những năm gần đây Thái Lan, Indonesia và Malaysia vẫn ganh đua nhau rất quyết liệt trong việc cắt giảm giá cao su. Ba nước Đông Nam Á này cung cấp tới 70% lượng cao su cho thị trường thế giới.

Theo một quan chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp Thái Lan, các đại diện đến từ Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam cũng sẽ tham dự cuộc gặp này.

Tổng sản lượng cao su của ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào và Campuchia) chưa thể sánh được với sản lượng của ba "ông trùm sản xuất cao su" thế giới là Thái Lan, Indonesia và Malaysia - với hơn 7 triệu tấn/năm. Riêng Thái Lan đứng đầu thế giới về sản xuất cao su, với 3,3 triệu tấn/năm.

Trên thị trường Thái Lan, cao su hiện được giao dịch với giá 1,5 USD/kg, trong khi trên thị trường thế giới, giá cao su có thể đạt mức 2,1-2,4 USD/kg.

Quan chức trên nói: "Chỉ khi các nước sản xuất cao su chủ chốt của thế giới "chung tay", giá cao su trên thị trường thế giới có thể bắt đầu tăng vào đầu tháng Một tới, và tiếp tục đà tăng trong suốt năm 2015. Dự đoán, giá cao su sẽ tăng lên 2,4 USD/kg vào cuối năm 2015."

Việc "Có hay không" và "Bằng cách nào để Hội đồng Cao su Ba bên Quốc tế (ITRC - gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia) thống nhất mức giá bán cao su trong bối cảnh mọi nỗ lực trước đó đều đã thất bại" vẫn rất khó dự đoán.

Trước đó, ITRC đã thống nhất mỗi nước thành viên sẽ cắt giảm khoảng 300.000 tấn cao su mỗi năm. Biện pháp này dự đoán sẽ ảnh hưởng tới khoảng 850.000 hộ gia đình sản xuất cao su của Thái Lan và mỗi hộ gia đình sẽ được đền bù 30,3 USD/ha trồng cao su.

Tuy nhiên, các hộ trồng cao su ở miền Nam Thái Lan đã phản đối kế hoạch trên và yêu cầu Chính phủ nước này tăng mức đền bù./.