Dẫn nguồn số liệu của Hải quan Việt Nam, Vasep cho biết xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Tây Ban Nha trong 7 tháng đầu năm nay đạt giá trị 50,46 triệu USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng tháng 7, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 7,4 triệu USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, theo số liệu củaTrung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Tây Ban Nha lại giảm nhẹ gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo một số doanh nghiệp, xuất khẩu cá tra sang Tây Ban Nha đã có sự tăng trưởng về giá trong thời gian qua, nhưng mức tăng chưa cao.
Tính đến cuối tháng 6, Tây Ban Nha vẫn chỉ nhập khẩu cá tra từ các nước, nhưng không nhập khẩu cá da trơn từ Trung Quốc.
Tình hình thị trường tiêu thụ thủy sản tại Tây Ban Nha đã có nhiều khả quan. Mặc dù giảm về khối lượng bán ra, thủy sản tươi vẫn là mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất, chiếm 7% chi tiêu cho thủy sản so với thủy sản đóng hộp (2,1%), thủy sản đông lạnh (1,6%). Năm 2013, tiêu thụ các sản phẩm thủy sản ở Tây Ban Nha giảm về khối lượng bán ra tuy nhiên giảm ít hơn các thực phẩm khác như thịt, hoa quả và rau.
Vasep cho biết tiêu thụ thủy sản theo đầu người của Tây Ban Nha hiện đã tăng 1,8% lên 26,8 kg/người/năm.Thủy sản tươi tiêu thụ tại các hộ gia đình chiếm 44,6% tổng số, tiếp đó là thủy sản chế biến và thủy sản đồ hộp.
Theo Vasep, để kinh doanh thủy sản hiệu quả ở Tây Ban Nha, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa mẫu mã và các sản phẩm mới, tăng tính tiện lợi cho các sản phẩm. Và dù các siêu thị và đại siêu thị đang phát triển rất nhanh, nhưng các nhà bán lẻ mới là kênh kinh doanh thủy sản tươi quan trọng nhất ở Tây Ban Nha.