Tăng trưởng ngành thép: Bước đầu khả quan

Mặc dù gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với thép Trung Quốc giá rẻ và thị trường bất động sản trong nước chưa thực sự khởi sắc, nhưng, 9 tháng đầu năm, sức tiêu thụ của ngành thép đã có những con số tăng trưởng khá.

Tiêu thụ tăng nhẹ

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), 9 tháng đầu năm, tổng sản phẩm của các doanh nghiệp là thành viên VSA sản xuất đạt 8.763.044 tấn, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2013; sản lượng tiêu thụ của các hội viên đạt 7.289.217 tấn, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thép xây dựng tính trong 9 tháng đạt 3.718.071 tấn, tăng 358.055 tấn, tăng tương ưng trên 10% và tiêu thụ đạt 3.786.870 tấn, tăng 11,76% so với cùng kỳ năm 2013.

Đối với sản phẩm ống thép, tổng số ống thép các doanh nghiệp thuộc hiệp hội sản xuất đạt 796.165 tấn, tăng 33,8%, tương ứng 201.135 tấn so với cùng kỳ năm 2013; lượng tiêu thụ đạt 795.830 tấn, tăng tương ứng với 37,45% so với cùng kỳ năm 2013.

Song song với đó, sản phẩm tôn mạ màu kim loại và sơn phủ màu 9 tháng các nhà máy sản xuất đạt 1.994.091 tấn, tăng 39,97% so với năm 2013; trong đó, tiêu thụ đạt 1.338.468 tấn, tăng 28,84% so với cùng kỳ năm 2013. Những con số trên cho thấy, trong tất cả các sản phẩm thép thì tiêu thụ tôn vẫn chiếm ưu thế cao nhất và con số đó chủ yếu nhờ vào thị trường xuất khẩu.

Giá bán thép trong 9 tháng không tăng, thậm chí giá tại phía Bắc có đơn vị còn điều chỉnh giảm từ 2 tới 3 lần/tháng, giảm từ 100 đến 200 đồng/kg thép xây dựng, nên giá bán vẫn giữ mức trung bình từ 13,300 đến 13,500 triệu đồng/tấn đối với thép cuộn. Nguyên nhân giá bán thép xây dựng giảm là do tác động của giá phôi nhập khẩu, cùng với một số nguyên liệu phục vụ cho sản xuất thép cũng giảm nhẹ, nên giá thép đều giảm tương ứng.

Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam:

Để giúp ngành thép tăng trưởng bền vững, cách hiệu quả nhất là các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thép. Cùng với đó, tiếp tục đưa ra các rào cản thương mại, kỹ thuật cho thép cuộn chứa bo nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ưu tiên xuất khẩu

Theo nhận định của VSA, những con số tăng trưởng trên thể hiện chiều hướng tiêu thụ của ngành thép khá hơn so với cùng kỳ, nhưng nhìn chung, vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, khi những con số tăng trưởng nói trên phần lớn phụ thuộc sản phẩm tôn, ống thép- 2 loại sản phẩm này là trụ cột của tăng trưởng trong vài năm gần đây và luôn giữ được mức tăng trưởng khá. Trong đó, tăng trưởng cao nhất vẫn là tôn Hoa Sen, Hòa Phát… Đây là những doanh nghiệp luôn dẫn đầu về thị phần tiêu thụ.

Bên cạnh đó, đối với thép xây dựng thì thép Hòa Phát, thép Việt, Posco… là những sản phẩm của các doanh nghiệp điển hình và dẫn đầu về lượng tiêu thụ, trong đó thép Việt là đơn vị dẫn đầu về xuất khẩu khi chỉ tính 9 tháng, đơn vị này đã xuất khẩu khoảng trên 100 ngàn tấn thép xây dựng.

Chia sẻ về con số xuất khẩu khả quan trên, ông Đỗ Duy Thái- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thép Việt- cho rằng, thị trường thép trong nước cung đang vượt cầu quá lớn. Để tránh việc tranh giành thị phần trong nước, thép Việt đã mở rộng thị trường tiêu thụ bằng con đường xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Thái cũng bày tỏ, thị trường trong nước vẫn là hướng đi chiến lược rất quan trọng trong tương lai, nhưng lại không đơn giản, khi lượng cung trong nước đã dư thừa, song sản phẩm thép Trung Quốc vẫn nhập về Việt Nam rất lớn.