Giá dầu rẻ là một nhân tố tốt cho nền kinh tế bởi nó cơ bản tương đương với việc cắt giảm thuế. Giá dầu thấp chỉ bị coi là tiêu cực khi nó thúc đẩy giảm phát và ảnh hưởng đến những quốc gia hay công ty phụ thuộc vào xuất khẩu dầu. Tác động của giá dầu là tốt, xấu hay mỗi thứ một chút sẽ phụ thuộc vào giá dầu sẽ ở mức thấp trong bao lâu.
Nếu giá dầu thấp là do sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ, ví dụ như tại nền kinh tế ốm yếu của Trung Quốc, thì giá dầu sẽ tăng trở lại khi kinh tế hồi phục. Nếu giá dầu thấp do dư thừa lượng cung, ví dụ như từ sự bùng nổ khai thác dầu đá phiến, thì giá dầu sẽ tiếp tục ở mức thấp trong một thời gian. Tuy nhiên, có 2 điều chắc chắn là lượng dầu mỏ trên thế giới là có hạn và kinh tế toàn cầu cần dầu thô để có thể vận hành. Do đó, giá dầu mỏ sẽ tăng trở lại trong tương lai, nhưng điều này sẽ xảy ra nhanh nhất là vào mùa xuân năm nay hay sẽ chỉ xảy ra lâu nhất là vào những năm 2050 thì không chuyên gia nào dự đoán được.
Tình hình giá dầu sẽ như vậy nếu như lần thay đổi này không có gì khác thường. Sẽ thật nguy hiểm nếu có gì bất thường xảy ra và sẽ an toàn hơn nếu giả định giá dầu trong lịch sử có thể lặp lại. Tuy nhiên, có một khả năng là giá dầu giảm có thể gây ảnh hưởng và làm thay đổi chính sách năng lượng trên thế giới, trong trường hợp đó thì hậu quả sẽ thật lâu dài.
Nhiều chuyên gia kinh tế ủng hộ chính sách tăng thuế đối với dầu mỏ, chủ yếu là do dầu thô là một tài nguyên cần thiết và khan hiếm, đồng thời tăng thuế đối với việc sử dụng quá nhiều nhiên liệu thô gây hại cho môi trường. Trong những nước phát triển, thuế nhiên liệu tại Mỹ là thấp nhất. Nhiều quốc gia phát triển, thường là những nước sản xuất dầu mỏ, thực tế đang trợ giá cho việc sử dụng nhiên liệu. Tuy nhiên, việc sử dụng quá mức dầu mỏ hiện tại sẽ tạo ra những nguy hiểm trong tương lai, các mức thuế thấp và việc trợ giá sẽ giảm bớt sự khuyến khích trong việc tìm kiếm những giải pháp thay thế bền vững và có lợi cho môi trường hơn.
Giá dầu thấp cũng tạo cơ hội cho các chính phủ có hội để tăng thuế nhiên liệu, hoặc giảm trợ giá, mà không làm tổn thương trực tiếp đến nền kinh tế. Những nước như Indonesia, Malaysia và Ấn Độ đã cắt giảm mức trợ giá xăng tại nước họ. Ngân hàng Thế giới (WB) đang khuyến khích các nước khác cũng làm như vậy. WB lập luận rằng các khoản trợ giá nhiên liệu không thực sự hiệu quả khi chủ yếu chỉ các hộ gia đình trung lưu là được hưởng lợi, theo họ thì số tiền này tốt hơn nên dùng để chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng. Chuyên gia kinh tế Larry Summers thì đã kêu gọi chính phủ Mỹ tận dụng thời điểm này để nâng thuế tiêu thụ carbon (phương tiện giao thông tại Mỹ phải trả thuế vì thải carbon ra môi trường), còn Nghị viện Mỹ đang xem xét nâng thuế nhiên liệu lần đầu tiên kể từ năm 1993.
Nguy cơ ở đây là chúng ta vẫn chưa biết giá dầu thấp sẽ kéo dài trong bao lâu và nguyên nhân chính nào đang khiến giá dầu hạ. Giá dầu hiện tại đang bị thao túng bởi thị trường đầu tư hơn là những nguyên nhân thực tại. Việc nâng thuế nhiên liệu sẽ khiến giá dầu thấp hiện nay, thậm chí nếu chỉ là tạm thời, ảnh hưởng tới thị trường trong những năm tiếp theo. Giả như Trung Quốc cắt giảm trợ giá nhiên liệu và giá dầu tăng trở lại, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ đối mặt với tình trạng giá nhiên liệu ở mức cao hơn thực tế. Kết quả là họ sẽ sử dụng ít nhiên liệu hơn, điều này khiến nhu cầu tiêu thụ dầu tại Trung Quốc giảm và nhường lượng tiêu thụ dầu cho các nước khác. Bên cạnh đó, việc tăng thuế tiêu thụ nhiên liệu của Trung Quốc cũng sẽ làm gia tăng lợi thế tương đối của người dân các nước không tăng thuế, nghĩa là thương mại tại các nước khác sẽ cạnh tranh hơn vì chi phí nhiên liệu đầu vào thấp.
Việc tăng thuế nhiên liệu hoặc giảm trợ giá nhiên liệu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, và thời điểm hiện tại là một thời điểm có vẻ thuận lợi cho việc đó. Tuy nhiên, việc định ra các chính sách nhằm ứng phó với tình hình bất ổn của giá dầu sẽ tạo ra những hậu quả không lường trước được. Trong 5 năm tới, một số quốc giá sẽ đối mặt tình trạng giá dầu thấp hơn thực tế khi một số nước khác lại phải chi tiêu nhiều hơn cho dầu thô. Điều này có thể làm thay đổi thương mại quốc tế và hướng sự phát triển toàn cầu theo cách mà hiện tại không chuyên gia nào có thể dự đoán.