Từ ngày 16/3, chỉ số điện trên công tơ tại các hộ gia đình, nhà máy, công xưởng đều được "khóa chốt" để bắt đầu chuyển sang tính theo biểu giá điện mới của Bộ Công Thương.
Theo đó với nhóm bán lẻ điện sinh hoạt, giá điện được chia thành 6 bậc với mức cao nhất là 401 kWh trở lên được áp dụng với mức giá 2.587 đồng/kW, với mức thấp nhất là dưới 50 kWh được bán với giá 1.484 đồng/kWh.
Thông báo này tuy đã được đưa ra từ ngày 5/3 tức trước 10 ngày chính thức được áp dụng, thế nhưng từ những người dân lao động, dân công sở cho tới các doanh nghiệp cũng đang "lo sốt vó" trước tình hình giá điện tăng.
Chị Hoàng Linh (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội), một nhân viên văn phòng công ty công nghệ chia sẻ: " Giá điện tăng nên giá cả sinh hoạt chắc chắn rồi cũng sẽ tăng theo thôi, nhất là khoản đồ ăn thức uống. Trong khi lương thì không biết có tăng không, thế nên giờ có bật thêm cái bóng đèn chắc cũng phải cân nhắc".
Nỗi lo về giá điện chắc chắn còn nặng nề hơn đối với những người lao động thu nhập thấp hay với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, các hộ nghèo, hộ chính sách sẽ tiếp tục được nhận sự hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách của Nhà nước về giá điện.
Theo đó các hộ dùng dưới 30 kWh sẽ được tính theo mức giá thấp nhất trong biểu giá điện sinh hoạt, tương đương với 48.000 đồng. Nếu dưới 50 kWh các hộ sẽ phải đóng thêm 4.800 đồng, còn dưới 100 kWh thì phải trả thêm 9.800 đồng.
Tuy nhiên gia đình nhà chị Tý trú tại đê sông Hồng, gầm cầu Long Biên, Hà Nội cũng không giấu nổi sự lo lắng. Chị cho biết: "Nhà không có nhiều đồ điện đâu nhưng điện tăng một cái là cái gì cũng tăng, kể cả có được hỗ trợ thì cũng phải tiết kiệm hơn thôi để cái này bù vào cái kia. Có cái tivi tốn điện nhất nhà thì từ nay cũng phải ít bật đi, để điện đấy cho con cái nó học hành".
|
Giá điện tăng ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân và hoạt động kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp - Ảnh minh họa |
Điện không chỉ là thứ thiết yếu trong cuộc sống sinh hoạt của người dân mà còn là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất.
Miệng nói tay với lên công tắc đèn nhấn nút tắt, anh Hiếu chủ quán cafe trên đường Lý Thường Kiệt tặc lưỡi: "Nói không điêu đâu nhưng điện bao giờ cũng là khoản đắt nhất mình phải chi trả cho cửa hàng mỗi tháng, có tháng lên tới ngót nghét 3 triệu tiền điện. Giờ phải khác thôi, không có khách thì tắt bớt đi, thời buổi kinh tế ngày càng khó khăn mà".
Những cơ sở làm ăn nhỏ đã "lao đao" là vậy, đến những công ty nhà xưởng lớn ngày đêm máy móc chạy bằng điện cũng lo phát sốt vì điện.
Ông Lê Vĩnh Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Sơn Hà cho biết, "chúng tôi đang phải đối mặt với thực tế là cần phải hết sức tiết kiệm trong lúc này. Giá điện tăng đồng nghĩa với việc là các chi phí đầu vào tăng, nó sẽ đội lên cùng với các chi phí cho những yếu tố phát sinh khác trong quá trình sản xuất."
Ông cho biết với sự cạnh tranh khắc nghiệt như hiện nay thì việc tăng giá thành sản phẩm sẽ là bất lợi cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Với mức tăng như hiện nay, mỗi tháng doanh nghiệp sẽ tăng thêm trên dưới 100 triệu đồng, thế nhưng cũng không thể để người tiêu dùng trả hộ. Vì vậy trong thời gian tới doanh nghiệp có thể sẽ phải đầu tư công nghệ mới để tiết kiệm năng lượng hơn mà vẫn đảm bảo được việc tăng hiệu quả sử dụng và năng suất lao động.
Theo biểu giá mới, nếu lượng điện sử dụng càng nhiều thì giá sẽ càng cao hơn. Vì vậy các doanh nghiệp đều sẽ phải tính tới giải pháp cải tiến công nghệ để giảm tiêu hao điện năng, đảm bảo về lợi nhuận cho mình. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây cũng có thể là một cơ hội lớn để các doanh nghiệp trở mình, tự vận động để đổi mới về công nghệ và hiệu quả sản xuất, năng suất lao động của mình.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Bộ Công Thương đang tích cực chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN phải tích cực thực hiện việc giảm tiêu hao điện năng xuống còn 8 % trong năm 2015, tăng năng suất lao động lên mức tối thiểu là 9 % so với năm 2014.