Cựu Bộ trưởng Năng lượng Nordine Ait Laoussine của Algeria cho biết Nga và OPEC đã nhiều lần thảo luận về việc hợp tác cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô, nhưng kết quả luôn không được như mong muốn. Chính quyền Moscow luôn cho rằng OPEC sẽ ở thế yếu khi giá dầu xuống thấp và sẽ phải giảm sản lượng. Lịch sử trước đây cũng cho thấy điều này là chính xác, nhưng tình hình hiện nay lại cho thấy OPEC đã cứng rắn hơn so với các lần trước.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết việc chủ động hạ sản lượng để tăng giá dầu thô trong ngắn hạn là một hành động vô nghĩa. Đồng ý với quan điểm trên, Giám đốc điều hành Igor Sechin của Rosneft nói rằng Nga sẽ không hợp tác với OPEC trong vấn đề cắt giảm sản lượng, và họ cũng không thể hạ sản lượng nếu muốn làm thế.
Trên thực tế, chính quyền Moscow rất muốn giá dầu mỏ tăng trở lại bởi mặt hàng này chiếm 60% xuất khẩu của Nga và việc giá dầu đi xuống đã góp phần đáng kể vào khó khăn của kinh tế nước này thời gian gần đây. Theo Bộ Tài chính Nga, nguồn thu từ dầu khí cho ngân sách đã ở mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Mặc dù vậy, Nga có thể đối phó với giá dầu thấp tốt hơn các nước OPEC. Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov ước tính thâm hụt ngân sách của Nga năm nay sẽ vào khoảng 3% GDP. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán thâm hụt ngân sách của Ả Rập Xê Út, thành viên lớn nhất OPEC, sẽ vào khoảng 20% GDP.
Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich cho biết nước này vẫn chịu được với mức giá dầu 60 USD/thùng, nhưng số liệu của IMF cho thấy OPEC cần giá dầu ở mức hơn 100 USD/thùng để cân bằng ngân sách.
Kể cả khi Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn hạ sản lượng, nước này cũng không đủ khả năng cắt giảm nhanh chóng do mùa đông khắc nghiệt tại đây khiến người dân cần năng lượng để sưởi ấm và sinh hoạt. Hơn nữa, địa hình phức tạp của các mỏ khai thác tại vùng Siberia cũng khiến quốc gia này gặp khó khăn trong việc điều chỉnh sản lượng.
Bên cạnh đó, Nga cũng khác với Ả Râp Xê Út hay Iran khi không có sự thống trị tuyệt đối trong ngành dầu khí trong nước. Những nhà sản xuất dầu thô ngoài quốc doanh chiếm khoảng 50% xuất khẩu dầu của Nga, do đó chính quyền Moscow khó có thể quyết định hạ sản lượng nhanh chóng như OPEC.
Những doanh nghiệp sản xuất dầu của Nga cũng không được đoàn kết như các tập đoàn quốc doanh trong OPEC. Các công ty này cần đáp ứng được những mục tiêu lợi nhuận, tiêu chuẩn quốc tế, cân bằng dòng vốn nên không thể tùy tiện thay đổi sản lượng. Hơn nữa, việc dư thừa cung khiến giá dầu hạ, buộc Nga phải giảm thuế tinh lọc và xuất khẩu dầu, qua đó ảnh hưởng tích cực đến những doanh nghiệp này.
Ngoài ra, Nga cũng đang cạnh tranh thị trường dầu mỏ với một số thành viên OPEC, đặc biệt là tại thị trường Châu Á. Sau những xung đột với Phương Tây, giờ đây Điện Kremlin đang chuyển hướng sang thị trường Phương Đông mà tiêu biểu là dự án đường ống dầu khí khổng lồ với Trung Quốc. Trong khi đó, Ả Rập Xê Út cũng tăng cường bảo vệ thị phần của mình, còn Iran đang có kế hoạch gia tăng xuất khẩu dầu thô sau khi lệnh cấm vận được hủy bỏ.
Theo Giáo sư Stanislav Zhiznin của Viện Quan hệ Quốc tế Moscow (MSIIR), liên minh Nga-OPEC được thành lập vào thập niên 70 nhằm đối phó với "chủ nghĩa đế quốc Mỹ." Liên minh này đã từng xem xét hỗ trợ giá dầu sau cuộc khủng bố ngày 11/9/2001 và khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng kết quả đều không được như mong muốn.