Theo số liệu từ Jefferies, trong tuần qua các nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn khoảng 2,16 tỷ USD ra khỏi Châu Á-Thái Bình Dương. Sự rút vốn tập trung chủ yếu vào các quỹ đầu tư tương hỗ và các quỹ ETF. Điều này xảy ra bất chấp việc giá dầu sụt giảm trong tuần trước xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009, một yếu tố được coi là tích cực đối với khu vực nơi mà hầu hết các quốc gia phải nhập khẩu ròng dầu.
Giá dầu WTI
Giám đốc đầu tư Stuart Rae của AllianceBernstein nhận định việc giá dầu giảm chắc chắn là có lợi cho Châu Á, nhưng những tác động tích cực từ giá dầu không trực tiếp như nhiều người dự đoán.
Những tác động gián tiếp
Theo ước tính của Giám đốc Rae, tỷ lệ chi tiêu cho xăng dầu của một người tiêu dùng tại Mỹ là khoảng 6%, còn tỷ lệ chi tiêu của 20% số người nghèo nhất là 12%. Công ty Societe Generale ước tính giá dầu giảm sẽ tiết kiệm trung bình 700 USD cho mỗi hộ gia đình Mỹ trong năm nay.
Chuyên gia Rae đánh giá đây là một yếu tố kích thích trực tiếp đến thị trường tiêu thụ tại Mỹ, nhưng điều tương tự sẽ không xảy ra với thị trường Châu Á bởi lượng sử dụng xe ô tô ở đây ít hơn. Việc giá dầu giảm sẽ không tác động trực tiếp đến chi tiêu bình quân của người tiêu dùng, mà sẽ tác động một cách gián tiếp.
Ông Rae lấy ví dụ rằng Indonesia đã có thể cắt giảm chính sách trợ cấp dầu mỏ của mình và giải phóng được 2% GDP trong ngân sách nhà nước, khoảng 1/2 trong số đó sẽ được dùng để phát triển cơ sở hạ tầng. Trong khi những tác động trên là tích cực đối với Indonesia trong dài hạn thì người dân lại không nhận ra được điều này rõ ràng bởi ảnh hưởng của nó là gián tiếp.
Các chuyên gia khác cũng cho rằng tác động của giá dầu giảm không phải lúc nào cũng tác động trực tiếp đến người tiêu dùng Châu Á.
Ngân hàng HSBC cho rằng tại một số thị trường như Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, và Thái Lan, sự cắt giảm chính sách trợ giá nhiên liệu gần đây sẽ không tác động nhiều đến người tiêu dùng bất chấp giá dầu quốc tế giảm mạnh. HSBC cũng dự đoán những khoản tiết kiệm mà chính phủ các nước được hưởng từ giá dầu giảm sẽ được chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, nhưng cũng lưu ý rằng ảnh hưởng tích cực từ sự giảm giá này sẽ không tác động ngay lập tức đến tăng trưởng kinh tế.
Không hoàn toàn tích cực
HSBC cũng cho rằng việc giá dầu và các hàng hóa giảm cũng không hoàn toàn có lợi cho khu vực Châu Á.
Theo HSBC, trong khi giá dầu thô giảm sẽ có lợi cho hầu hết các nước trong Châu Á, đặc biệt tại Đông Nam Á, thì những nước như Australia và New Zealand lại không hoàn toàn như vậy. Trong tình hình giao dịch thương mại suy giảm khiến thu nhập quốc gia bị thu hẹp thì giá dầu giảm sẽ khiến nguồn vốn chi tiêu cho lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên chịu thêm áp lực, gia tăng khó khăn trong việc tăng trưởng kinh tế.
Nhiều chương trình cơ sở hạ tầng lớn của Malaysia dự kiến sẽ được đầu tư bằng nguồn tài chính thu được từ xuất khẩu dầu. Bên cạnh đó, giá dầu giảm cũng sẽ khiến một số ngành xuất khẩu quan trọng khác bị ảnh hưởng tiêu cực như cao su và dầu cọ.
Thủ tướng Malaysia Seri Najib Razak
Một nguyên nhân nữa khiến giá dầu và các hàng hóa khác giảm không giúp ích được nhiều cho các nước nhập khẩu dầu tại Châu Á là do nó làm suy giảm lợi nhuận của các công ty.
Goldman Sachs cho biết Châu Á là một khu vực nhập khẩu nhiều dầu, nhưng lĩnh vực năng lượng và nguyên vật liệu vẫn chiếm khoảng 15% lợi nhuận của các công ty trong chỉ số chứng khoán MSCI Châu Á-Thái Bình Dương không kể Nhật Bản. Trong khi tại các lĩnh vực khác, ảnh hưởng tích cực từ việc doanh thu tăng và chi phí nhiên liệu đầu vào giảm sẽ tác động chậm hơn đến nền kinh tế.
Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng cho chỉ số MSCI Châu Á-Thái Bình Dương đi 2 điểm phần trăm xuống 6% cho năm 2015, nhưng lại tăng 1 điểm phần trăm cho dự báo năm 2016 lên 11%.
Theo HSBC, việc các công ty tại Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc có thể có được lợi nhuận dễ dàng do giá nhiên liệu giảm không có nghĩa là các công ty này sẽ chia sẻ lợi nhuận bằng cách tăng lương hay tăng đầu tư, những động thái sẽ thúc đẩy nhanh chóng tăng trưởng kinh tế.