Theo bản Dự thảo này, tầm nhìn ngành lúa gạo Việt Nam đến 2030 như sau: Là ngành có lợi thế, ngành trồng trọt chiến lược; đáp ứng đa mục tiêu về kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa; duy trì vị thế XK gạo, tăng giá trị và bền vững; đảm bảo ANLT theo chiều sâu cả trong và ngoài nước.
Cần đầu tư nghiên cứu nâng cao chất lượng lúa gạo
Mục tiêu tổng quát là nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh; đảm bảo hài hòa lợi ích, công bằng; phát triển bền vững.
Một số chỉ tiêu cụ thể đến 2030: Giá XK bằng giá quốc tế cùng phân khúc thị trường; lợi nhuận của nông dân từ 30% trở lên; cánh đồng liên kết chiếm 50% diện tích sản xuất lúa hàng hóa, tỷ lệ giống xác nhận từ 75% trở lên; giảm phát thải khí nhà kính 20% so với hiện nay.
Theo TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng IPSARD, để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam, Dự thảo đưa ra các giải pháp như định hướng sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường trong nước và quốc tế, tăng cường liên kết nông dân - doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng đầu vào và giảm giá thành.
Công tác chế biến và thương hiệu gạo cũng cần được coi trọng, đẩy mạnh. Theo đó, chế biến phải bắt đầu từ việc tổ chức sấy lúa tươi đạt độ ẩm tiêu chuẩn 14-14,5%, hoàn thiện công nghệ sấy.
Xây dựng tiêu chuẩn gạo quốc gia để sản xuất phục vụ nội địa, đồng thời xây dựng tiêu chuẩn gạo quốc tế để phục vụ XK.
Đầu tư xây dựng, phát triển về hậu cần cho ngành hàng về giao thông, kho dự trữ lúa, kho dự trữ gạo, kho ngoại quan, thông tin thị trường…
Để đảm bảo hài hòa lợi ích, công bằng cho nông dân, doanh nghiệp, cần thực hiện các giải pháp như tăng quy mô đất đai hộ trồng lúa, rút bớt lao động ra khỏi nông nghiệp, hỗ trợ nông dân chuyên nghiệp, tổ chức các hình thức kinh tế hợp tác, cung cấp dịch vụ cho nông dân, tái cấu trúc 2 DNNN lớn trong ngành hàng là Vinafood 1 và Vinafood 2, xây dựng ban điều hành lúa gạo.
Để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, sản xuất lúa gạo phải tăng khả năng ứng phó với BĐKH, hạn chế ô nhiễm môi trường, tham gia vào bảo vệ tài nguyên, được quản trị rủi ro đảm bảo lợi ích KT, XH, gắn kết ngành lúa gạo với du lịch và văn hóa cộng đồng.
PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Viện trưởng Viện KHNN Việt Nam, cho biết, Việt Nam hiện mới đảm bảo ANLT quốc gia, chưa đáp ứng được ANLT hộ gia đình. Ngay ở khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đang đứng thứ 5 trong đảm bảo ANLT hộ gia đình, đứng sau cả nước không sản xuất gạo là Singapore.
Vì thế, nhiều hộ gia đình vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ đói. Để làm tốt tái cơ cấu (TCC) ngành hàng lúa gạo, trước hết phải thay đổi về tư duy.
Bởi có thay đổi tư duy, mới thay đổi được đầu tư cho cả ngành hàng. Mà khi đã thay đổi được cách đầu tư thì mới có thể làm TCC thành công.
Ông Trần Văn Làm (Hội Nông dân Việt Nam), cho rằng, trong chương trình TCC ngành hàng lúa gạo Việt Nam, phải làm một cuộc cách mạng về đầu vào và đầu ra cho nông dân.
Bởi đầu vào và đầu ra hiện vẫn đang là 2 gọng kìm siết chặt người trồng lúa, khiến cho họ khó có thể khá lên được.
Theo PGS.TS Bùi Bá Bổng, chuyên gia cao cấp của FAO, trong TCC ngành nông nghiệp thì TCC ngành hàng lúa gạo là yêu cầu số 1.
Vì sản xuất lúa gạo không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn gắn với đời sống của hàng triệu hộ nông dân và các vấn đề xã hội. Mục tiêu hàng đầu của TCC lúa gạo là phải đảm bảo ANLT trong mọi tình huống.
TCC lúa gạo là điều chỉnh cho cả ngành hàng không chạy theo sản lượng lúa, lượng gạo XK mà đi sâu vào chất lượng, tăng thu nhập cho người trồng lúa, tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân có thể chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi khác có lợi hơn.
Đặc biệt, trong chương trình TCC ngành hàng lúa gạo phải đổi mới, nâng cao một cách thực sự năng lực của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều nhà DN cũng cho rằng trong chương trình TCC ngành hàng lúa gạo, nhất là tại khu vực ĐBSCL, cần phải xem xét lại việc sản xuất lúa vụ 3 hiện nay.
Ông Cao Minh Lãm, TGĐ Cty Angimex (An Giang), cho biết, năm 2011, Cty này đã kết nối lại được việc XK gạo sang Nhật Bản, nhờ đáp ứng được tất cả các chỉ tiêu về ATTP của nước này.
Nhưng sang năm 2012, khi diện tích lúa vụ 3 được mở rộng ở ĐBSCL, phía Nhật Bản đã yêu cầu phải đánh giá lại các chỉ tiêu với yêu cầu khắt khe hơn, bởi họ cho rằng sản xuất lúa vụ 3 khiến cho nông dân tăng cường sử dụng nhiều hơn phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học.
Kết quả là Cty Angimex đã không đáp ứng nổi yêu cầu mới của nhà NK Nhật Bản, do đó, 15.000 tấn gạo mà họ định mua của Cty này, đã được chuyển sang nhà cung ứng bên Myanmar do bên đó nông dân còn ít sử dụng thuốc BVTV.
Không những thế, khách hàng đó của Nhật Bản đang dự tính đầu tư lớn ở Myanmar để sản xuất lúa an toàn mà không chọn Việt Nam.
Ông Hồ Minh Khải, GĐ Cty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, cũng cho rằng cần phải hạn chế sản xuất lúa vụ 3 ở ĐBSCL. Vì nếu diện tích lúa vụ 3 được mở rộng, sẽ ảnh hưởng đến nhiều diện tích lúa vụ đông xuân do nông dân không có thời gian cho đất nghỉ ngơi, làm vệ sinh đồng ruộng…
Thành ra, nông dân lại phải gia tăng sử dụng phân bón, thuốc BVTV, vừa ảnh hưởng tới chất lượng gạo, vừa không tốt cho môi trường.