Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã "rất ngạc nhiên" khi nghe Quốc vụ khanh phụ trách Ngoại thương Phát triển du lịch và người Pháp tại nước ngoài, bà Fleur Pellerin, phàn nàn về lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Pháp vào Việt Nam trong một cuộc họp hồi cuối tháng 7 vừa rồi.
Lệnh cấm này đã được các cơ quan nhà nước của Việt Nam đưa ra cách đây hơn một thập kỷ nhằm đối phó với nạn bò điên đang diễn ra ở châu Âu vào thời điểm đó.
Lệnh cấm lúc đó, rõ ràng, nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam, cũng như hạn chế sự lây lan của bệnh dịch này vào Việt Nam. Tất cả các nước ASEAN cũng từng làm như vậy.
Vấn đề là tất cả các nước Asean đã dỡ bỏ lệnh cấm đó, chỉ trừ Việt Nam.
Vậy, lý do gì mà Việt Nam, như mô tả của bà Lellerin, cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lại không dỡ bỏ lệnh này?
Bộ trưởng Vinh, với tư cách là nhà đàm phán ODA của Chính phủ, đã ngay lập tức cam kết với phía Pháp sẽ yêu cầu các cơ quan hữu quan của Việt Nam dỡ bỏ lệnh này. Ông khẳng định "về mặt chính sách và quan điểm" Việt Nam không có lý do gì để cấm nhập khẩu thịt bò Pháp.
Nhưng, từ cuối tháng 7 đến nay, chưa có bất kỳ một kết quả nào.
Trong khi đó, việc nhập khẩu thịt bò từ các thị trường khác lại đang diễn ra rất sôi động.
Theo Bộ Công Thương, thị trường Việt Nam mỗi ngày tiêu thụ khoảng 4.000 con bò, chủ yếu từ nguồn nhập khẩu từ Lào, Campuchia và Myanmar; một phần từ đàn bò trong nước và từ các quốc gia khác, đặc biệt trong thời gian gần đây là từ Úc.
Lượng nhập khẩu thịt bò Úc liên tục tăng. Năm 2012 Việt Nam mới bắt đầu nhập bò Úc với số lượng khá khiêm tốn, chỉ khoảng 3.000 con. Nhưng năm 2013 tăng vọt lên gần 67.000 con và 7 tháng đầu năm nay đã là 120.000 con. Vượt qua cả Trung Quốc, Việt Nam đã trở thành thị trường nhập khẩu bò Úc đứng thứ 2 sau Indonesia.
Hiện bò Úc đã chiếm 70% thị phần bò tươi tại TP.HCM và vẫn đang tiếp tục tăng. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ mạnh, trong khi sản lượng nội địa không nhiều, mỗi năm Việt Nam chỉ sản xuất khoảng 370.000 tấn thịt trâu bò hơi, chỉ phục vụ đủ cho địa phương nơi có chăn nuôi. Mặt khác, trước đây Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan, Campuchia, Lào thì nay số lượng đã giảm một nửa. Do vậy, để bù đắp thiếu hụt, buộc phải tăng nhập khẩu từ Úc.
Năm nay giá bò Úc tăng gần 35% so với năm ngoái, hơn 3,2 đô la Mỹ/kg, vậy mà lượng bò Úc nhập về vẫn tăng lên gấp 2,5 lần, năm 2014 dự kiến sẽ nhập khoảng 170.000 con.
Báo cáo của Bộ Công Thương như trên đã xác nhận một điều rất đơn giản, việc nhập khẩu thịt bò vào thị trường Việt Nam đang diễn ra rất tấp nập, và không có rào cản gì. Đây rõ ràng là tinh thần của một thị trường tự do mà Việt Nam theo đuổi khi vào WTO, và đang hướng tới FTA với EU.
Vậy, vì sao lại khó khăn dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu bò Pháp đến vậy. Đây là điều khó hiểu khi Pháp năm nào cũng đòi hỏi điều này, chứ không phải chỉ từ bà Pellerin.
Lệnh cấm đó còn tồn tại là vì quyền lợi người tiêu dùng, hay vì quan liêu, và vì lợi ích nhóm?
Cách chơi này có sòng phẳng hay không khi mà mà lúc nào cũng nhăm nhăm xin ODA, mà lại đóng cửa thị trường với nước cho vay?