Sợ virus, Trung Quốc đóng cửa với gia cầm Mỹ

Trung Quốc đã cấm nhập khẩu tất cả các loại gia cầm, sản phẩm gia cầm và trứng gia cầm từ Mỹ do lo ngại về cúm gia cầm - Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết hôm qua (12/1).

Sợ virus, Trung Quốc đóng cửa với gia cầm Mỹ

Tất cả gia cầm và sản phẩm liên quan đến gia cầm xuất phát từ Mỹ cập cảng Trung Quốc sau ngày 8/1 sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy - Ảnh: Reuters.


Hãng tin Reuters cho biết, tất cả gia cầm và sản phẩm liên quan đến gia cầm xuất phát từ Mỹ cập cảng Trung Quốc sau ngày 8/1 sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy - theo thông tin từ Hội đồng Xuất khẩu gia cầm và trứng của Mỹ. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 8/1 này cũng áp dụng đối với gia cầm giống, như gà con và trứng sắp nở.

Trong thời gian từ tháng 1-11/2014, xuất khẩu gà của Mỹ sang Trung Quốc đạt gần 272 triệu USD, với khối lượng là 239,768 triệu pound, chủ yếu là chân gà. Trong cùng khoảng thời gian này, Trung Quốc nhập 55,923 triệu pound gà tây của Mỹ. Lượng trứng mà Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc là không đáng kể.

Theo USDA, vào cuối năm ngoái, Mỹ đã phát hiện ra hai chủng virus gây cúm gia cầm ở hạt Whatcom, bang Washington. Một trong hai chủng virus này là chủng H5N2 ở vịt nhọn đuôi phương Bắc. Đây là chủng virus đã khiến hàng ngàn con gia cầm ở hai trang trại thuộc vùng British Columbia mắc bệnh và chết.

Ngoài ra, Mỹ còn phát hiện chủng 85N8 có khả năng lây nhiễm cao ở một trang trại gia cầm thuộc thành phố Winston, bang Oregon.

Sau khi Mỹ công bố các phát hiện trên, vào cuối tháng 12, Hồng Kông tuyên bố dừng nhập khẩu một số loại gia cầm và sản phẩm gia cầm từ Mỹ.

Theo một số quan chức ngành nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc đang có phản ứng thái quá, bởi đến nay vẫn chưa phát hiện thấy có virus gây cúm gia cầm trong gia cầm thương mại ở Mỹ. Trong khi đó, nhiều chủng virus cúm gia cầm đã có mặt ở Trung Quốc.

Theo USDA, hiện cả hai chủng virus H5N2 và 85N8 đều chưa được phát hiện trên gia cầm thương mại ở Mỹ và chưa có ca nhiễm nào ở người liên quan tới hai chủng virus này ở Mỹ và Canada. Hai chủng virus này cũng chưa phải là mối lo sức khỏe y tế cộng đồng tại Mỹ.