Truy thu gần 600 tỷ đồng chuyển giá
Đồng Nai là một trong những tỉnh tích cực rà soát, đấu tranh chống chuyển giá. Năm 2013, ngành thuế tỉnh này đã phát hiện nhiều trường hợp doanh nghiệp (DN) FDI có dấu hiệu chuyển giá. Một trong những trường hợp điển hình là Cty Dệt may Hualon ở Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Theo thống kê của toàn ngành Thuế, 9 tháng đầu năm 2015 đã kiểm tra và phát hiện 1.600 DN có dấu hiệu chuyển giá. Hiện ngành Thuế huy động đến 30% cán bộ thuế toàn hệ thống (tổng hơn 4 vạn người) tham gia công tác thanh tra, kiểm tra (trong đó có chuyên đề chống chuyển giá). |
Tại lễ công bố quyết định thành lập Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng của Tổng cục Thuế sáng 28/10, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó Trưởng ban cải cách hiện đại hóa Tổng cục Thuế, cho biết: Vụ đầu tiên ngành phân tích rủi ro giảm lỗ là Cty Dệt may Hualon với kết quả giảm lỗ hơn 100 tỷ đồng và truy thu thuế 78 tỷ đồng. “Đây là thành tích điều tra về chống chuyển giá lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, phía Nhật Bản cũng đề nghị ta chia sẻ kinh nghiệm”, ông Tiến cho hay. Kết thúc thời gian thí điểm phân tích chống chuyển giá của ngành thuế 3 năm qua, theo ông Tiến, tính bình quân đã có 29 vụ kết thúc, giảm lỗ 300 tỷ đồng/vụ và truy thu 20 tỷ đồng tiền thuế/vụ (gần 600 tỷ đồng của 29 vụ). Thời gian tới, ông Tiến cho biết, ngành thuế đã hình thành cơ sở dữ liệu rủi ro cao, đặc biệt da giày và dệt may.
Ông Bùi Văn Nam, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hiện có khoảng 13.000 DN FDI, trong đó 4.098 giao dịch liên kết có giá chuyển nhượng. Thời gian qua, ngoài những đóng góp tích cực, nhiều DN FDI có hành vi gian lận thuế. Tinh vi và phức tạp nhất là gian lận thuế qua định giá chuyển nhượng đã bị phát hiện. Theo ông Nam, những hành vi gian lận thuế đã làm giảm số thu thuế, gây thất thu cho ngân sách và gây cạnh tranh thiếu công bằng, bình đẳng tới DN trong nước.
Ảnh minh họa
Giám sát các “điểm nóng” chuyển giá
Trong cùng ngày, Tổng cục Thuế cũng công bố sẽ có 4 Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng đặt tại các địa phương tập trung nhiều DN FDI (TPHCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai). Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Công, cho biết: “Việc nhận dạng chuyển giá không khó, nhưng quá trình xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Tỉnh Đồng Nai được giao nhiệm vụ thanh tra chuyển nhượng giá các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực dệt may. Nhìn chung, họ có thể chuyển giá đầu ra hoặc đầu vào. Do chưa có dữ liệu, nên cán bộ vẫn phải làm thủ công, mò mẫm nhặt từng khoản mục để so sánh, đối chiếu”, ông Công nói.
Cụ thể hơn, theo lãnh đạo ngành Thuế tỉnh này, một bộ hồ sơ chuyển giá phải phân tích rất lâu. Sáu tháng đầu năm, các bộ phận chuyên môn của Cục đã tập trung phân tích để trong 2 quý còn lại sẽ thanh tra. “Năm 2014, chúng tôi thanh tra chuyển giá 5 DN và đã truy thu được 300 tỷ đồng. Một thuận lợi nữa là hiện tại rất nhiều dự án đang xin nộp tiền sử dụng đất để hoàn thiện hồ sơ, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài đang chờ để được nộp một lần. Số tiền này cũng rất lớn. Với gần 20 dự án, số tiền nộp ước tính lên đến khoảng 1 ngàn tỷ đồng”, lãnh đạo Cục Thuế Đồng Nai cho biết.
TPHCM nơi có nhiều DN FDI và vấn đề chống chuyển giá đã được ngành Thuế đặt trong kế hoạch thanh tra. Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, bà Trần Thị Lê Nga, số lượng DN FDI cũng tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước, nên việc kiểm soát các DN này cũng được chú trọng.
Liên quan đến cơ sở pháp lý, hiện chỉ có văn bản duy nhất có đề cập chuyển giá, đó là Thông tư số 66 (2010) của Bộ Tài chính. Lãnh đạo Thuế Đồng Nai kiến nghị: Bộ Tài chính và Chính phủ cần trình Quốc hội nâng lên thành luật. “Có như vậy, hành lang pháp lý mới an toàn hơn, thực thi công bằng hơn”, người đứng đầu Cục Thuế Đồng Nai kiến nghị.
Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng có nhiệm vụ lập kế hoạch thanh tra giá chuyển nhượng hằng năm, xây dựng quy trình thanh tra giá chuyển nhượng, thu thập xử lý thông tin từ các DN có quan hệ liên kết từ cơ quan thuế và bên thứ ba. Phòng này sẽ thu thập nghiên cứu các dấu hiệu chuyển giá đang được các chủ thể kinh doanh tại Việt Nam thực hiện. |