Sản xuất - xuất khẩu cá tra: Đã khó, đang khó và sẽ… càng khó

Sản xuất - xuất khẩu cá tra: Đã khó, đang khó và sẽ… càng khó

Giữa lúc đầu ra tiếp tục gánh thêm nhiều trở ngại mới từ bên ngoài, người nuôi và xuất khẩu cá tra Việt Nam (XKCTVN) lại tự thua ngay trên sân nhà bởi những quy định “tự trói mình”.

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 36/2014/ND-CP và triển khai nhiệm vụ năm 2015” do Bộ NNPTNT phối hợp cùng BCĐ Tây Nam Bộ vừa tổ chức tại TP.Long Xuyên, An Giang.

Khó khăn chồng khó khăn

Theo Tổng cục Thuỷ sản (TCTS), diện tích nuôi cá tra (CT) thương phẩm năm 2014 đạt 5.434 ha và sản lượng ước đạt 1,2 triệu tấn (đạt và vượt kế hoạch). Tuy nhiên giá cả lại biến động theo chiều bất lợi. Trong lúc nhiều mặt hàng đầu vào như con giống, thức ăn… tăng liên tục, thì giá bán chỉ tăng ngắn hạn trong quý I (21.000- 27.000đ/kg) rồi nhanh chóng giảm trong 2 quý kế tiếp khiến người nuôi thua lỗ 1.000-1.500đ/kg cá nguyên liệu.

Đến quý IV, giá cá có dấu hiệu tăng trở lại (23.000-25.000đ/kg), nhưng người nuôi đều không được hưởng vì không còn cá để bán. Mặt khác, đây là “mùa nghịch”, cá chậm lớn và phát sinh nhiều dịch bệnh, chi phí tăng cao nên khó có thể lãi cao.

Các doanh nghiệp XK cũng gặp khó. Theo TCTS, đến hết tháng 11.2014, XK được 718.683 tấn, tăng 0,51% về lượng, nhưng chỉ tăng 0,04% về giá trị so cùng kỳ. Có nhiều nguyên nhân, như: Việc tăng thuế suất đánh vào mặt hàng CT phi lê đông lạnh, Đạo luật Nông trại 2014 của Hoa Kỳ… nhưng cơ bản là do chất lượng CT VN có “vấn đề”.

Bà Trần Bích Nga - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Nafiqad) cho biết: “Ngoài thị trường EU và các nước Hàn Quốc, Nhật Bản cảnh báo và gia tăng kiểm soát dư lượng kháng sinh… những tháng đầu 2014, Cục Kiểm dịch động vật Liên bang Nga (VPSS) đã đình chỉ nhập khẩu CT vào thị trường Nga”.

Trong khi đó, theo nhiều doanh nghiệp (DN), chính sự thiếu chủ động của cơ quan chức năng đã làm gia tăng thêm sự khó khăn này. Điển hình là thương vụ với Brazil. Trước nhiễu loạn thông tin về tỉ lệ tăng trọng, mạ băng, chất lượng… của CT VN, phía Brazil tạm ngừng nhập khẩu để trực tiếp sang Việt Nam nắm tình hình và yêu cầu có văn bản giải trình để xem xét…, nhưng đến giờ “G” mà vẫn chưa được đáp ứng yêu cầu nên họ “đóng cửa”. Đây là thiệt thòi lớn vì Brazil được xem là thị phần giàu tiềm năng của ngành XK CT.

Khó” từ nhà ra ngõ

Theo kế hoạch năm 2015, ngành chăn nuôi XK CT đạt 5.500ha diện tích nuôi; 1,1 - 1,2 tấn sản lượng; 1,75-1,85 tỉ USD kim ngạch XK. Tuy nhiên nhiều đại biểu cảnh báo: CT sẽ khó “từ nhà ra ngõ”. Chủ tịch HĐQT Cty CP Hùng Vương (HVG) Dương Ngọc Minh chia sẻ: “Nhiều mặt hàng đầu vào, như giá thức ăn, nhân công… đều tăng. Trong khi đó nhiều đối thủ của CT thì ngược lại”.

Theo ông Minh, dự báo thế giới cho thấy nhiều mặt hàng nông nghiệp, như bắp, đậu nành, lúa mạch có khả năng giảm giá 20-30%, điều này cho thấy CT sẽ gánh thêm bất lợi trong cạnh tranh thị phần so với gia súc, gia cầm. Ngoài ra, giá dầu thế giới đang giảm, kéo theo giá cá đánh bắt sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh với CT. Nói cách khác, khả năng tăng giá XK trong năm 2015 là rất thấp. Đó là chưa kể đến việc một số quốc gia nhập khẩu CT sẽ gia tăng hàng rào kỹ thuật để “bảo hộ” hàng trong nước.

Trong lúc chưa có giải pháp xử lý bất lợi bên ngoài, thì CT lại tiếp tục gánh thêm bất cập từ bên trong. Giám đốc Cty TNHH thuỷ sản Biển Đông (Cần Thơ) Ngô Quang Trường nhấn mạnh: “Một số điều khoản trong Nghị định 36/2014 chưa sát với thị trường khiến doanh nghiệp gặp khó”. Điển hình là quy định ẩm độ: 83% và tỉ lệ mạ băng: 10%. Theo ông Trường, ngay cả thị trường đòi hỏi khắt khe là Hoa Kỳ cũng chỉ quy định ẩm độ là 85% (trong đó có cộng, trừ 1, tức từ 84-86%).

Đồng tình với nhận định này, ông Trương Đình Hoè (Tổng Thư ký VASEP) cho biết, qua làm việc với 15 doanh nghiệp tiêu biểu cho thấy, thị trường đòi hỏi mạ băng dưới 10% không nhiều và các doanh nghiệp có nguyện vọng được giữ tỉ lệ mạ băng 20%. “Hàm lượng ẩm độ, hay tỉ lệ mạ băng là chỉ tiêu mang tính thương mại, phần lớn xuất phát từ nhu cầu của nhà nhập khẩu, của thị trường.

Vì vậy nếu “nâng cao” mà không đi kèm “thông luồng” với phía nhập khẩu thì khả năng thiệt thòi cho người nuôi là rất lớn”, giám đốc doanh nghiệp có nhiều năm lăn lộn trong ngành XK CT cho biết thêm: “Khi không thể nâng giá XK thì doanh nghiệp sẽ quay lại hạ giá thu mua cá nguyên liệu là chuyện tất yếu”.

Hơn lúc nào hết, CT VN đang rất cần tiếp thêm sức mạnh từ bên trong để đủ sức vượt qua cơn bão khó khăn từ bên ngoài để khẳng định vị trí số 1 toàn cầu.

>>> Giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ tăng gần 4%

Theo Lục Tùng