Nhiều người cho rằng tại sao trong một thời gian rất dài Việt Nam mới săn được 4 “tấm vé” cho trái cây Việt đi Mỹ mà không phải là nhiều hơn?
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết việc xuất khẩu trái cây sang Mỹ không hề đơn giản. Trái cây Việt đủ điều kiện sang Mỹ phải vượt qua những rào cản kỹ thuật rất khắt khe được Bộ Nông nghiêp Mỹ đưa ra.
Thông thường để trái cây Việt đi Mỹ cần nộp đơn yêu cầu, nộp danh sách dịch hại cho nước nhập khẩu, phân tích nguy cơ dịch hại, đưa ra giải pháp, liều lượng thuốc bảo vệ thực vật, quy hoạch vùng trồng, phương pháp chiếu xạ…
Tất cả các trái cây muốn xâm nhập vào thị trường Mỹ kể cả chôm chôm, thanh long, vải và nhãn trước hết phải được áp dụng VietGAP trong sản xuất.
Thêm một điều kiện quan trọng: “Trái cây đi Mỹ cần phải chiếu xạ tiêu diệt vi khuẩn dịch hại, đặc biệt là ruồi bằng phương pháp chiếu xạ để đảm bảo chất lượng và sự an toàn tuyệt đối khi sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này”, ông Dư nói.
Ông Dư cho biết, hiện nhà nước vẫn đang phối hợp nông dân tìm đường xuất đi Mỹ cũng như các thị trường Châu Âu, Úc, Nhật Bản…cho các loại trái cây khác của Việt Nam. Tuy nhiên, chính vì những yêu cầu khắt khe trên không thể vội vàng, ồ ạt. Muốn đàm phán thành công cần phải có thời gian.
Đối với người nông dân, khi trái cây được xuất khẩu đi nước ngoài sẽ thu được lợi nhuận lớn hơn gấp 3-4 lần bán trong nước. Chẳng hạn, giá thanh long trong nước được bán với giá 30.000 đồng/kg thì xuất khẩu sẽ được khoảng 150.000 -160.000 đồng/kg, sắp tới trái vải, nhãn cũng có mức bán tương tự.
“Rõ ràng lợi nhuận là rất lớn, người nông dân nào cũng muốn làm thế nhưng để được xuất đi Mỹ phải đảm bảo độ an toàn tuyệt đối vì thị trường Mỹ vô cùng khó tính. Người nông dân đừng nôn nóng đòi hỏi trái cây của mình phải được đi Mỹ sớm, càng nông nóng thì sẽ hỏng việc. Việc của người nông dân chỉ là trồng cây đúng quy trình VietGAP và đặt sự an toàn của sản phẩm là số 1 bởi để thuyết phục một thị trường khó tính như Mỹ không còn cách nào khác là mình phải thực sự nổi bật về chất lượng”, ông Dư nói.
Ông cho biết thêm, hầu hết các trái cây Việt như chôm chôm, thanh long, vải, nhãn đều được xuất khẩu sang Mỹ bằng đường hàng không, bảo quản lạnh, chất lượng đảm bảo tuyệt đối. Tuy nhiên, tới đây do điều kiện bảo quản nhãn được lâu hơn nên có thể xuất khẩu bằng vận tải biển để tiết kiệm chi phí, tăng tính cạnh tranh cho mặt hàng này.
Trước đây vải, nhãn chủ yếu chỉ được xuất khẩu qua Trung Quốc với giá rất rẻ. Nhiều năm được mùa, người nông dân ngậm ngùi bán giá rẻ, hay khi thương lái Trung Quốc ngừng mua lại chịu bỏ thối. Nay được Mỹ mở cửa và quy hoạch vùng trồng vải, nhãn ông Dư đánh giá rất cao những nỗ lực đàm phán.
So với các nước xuất khẩu trái cây vào Mỹ, trái cây của Việt Nam được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã. Đơn cử, quả vải có cùi khô ráo, nhãn ngọt và bảo quản được lâu…phù hợp với thị hiếu thích ăn ngọt của đa số dân Mỹ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 8 ước đạt 130 triệu USD. Ngành rau quả xuất siêu 599 triệu USD trong 8 tháng.. Trung Quốc vẫn đang là thị trường xuất khẩu chủ lực với hơn 258 triệu USD, tăng 53,72% so với cùng kỳ năm 2013 tiếp đến là các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore. Hiện Mỹ đang là thị trường tiêu thụ rau quả lớn thứ tư của Việt Nam với tổng kim ngạch đạt hơn 30,8 triệu USD, tăng 9,54% so với cùng kỳ 2013.
>>>Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trái cây
Hướng Dương