Hàng giả làm giảm uy tín, cạnh tranh của Việt Nam
Phát biểu tại Lễ kỉ niệm Hàng giả, hàng nhái 2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, khi Việt Nam gia nhập kinh tế thị trường có mặt trái là tình trạng buôn lậu gian lận thương mại. Hàng nhái hàng giả không chỉ ở VN mà là vấn nạn của toàn cầu. Tuy nhiên, ở Việt Nam tính trầm trọng, phức tạp, phổ biến của hàng giả, hàng nhái đang diễn ra trên diện rộng và đặc biệt nghiêm trọng.
"Chúng ta không cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ sản phẩm, người tiêu dùng trong nước là chúng ta thất bại rồi”, Phó Thủ tướng nhận định.
Theo đó, nhiều loại hàng giả hàng nhái như: mỹ phẩm, quần áo, giày dép, vật liệu xây dựng, đồ dùng điện tử, thuốc, đồ ăn, thức uống… tính nguy hại về sức khoẻ rất cao đòi hỏi sự quyết liệt từ cơ quan chức năng và phía người dân.
"Hàng giả làm ảnh hưởng đến sức khỏe đời sống của người dân, ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh rất lớn. Hàng giả hàng nhái ảnh hưởng uy tín quốc gia, sức cạnh tranh giảm theo. Buôn lậu gian lận thương mại đi liền với tham nhũng tiêu cực, bao che cho đường dây trốn thuế, ảnh hưởng tới uy tín quản lý của đất nước”, Phó Thủ tướng nói.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn "mổ xẻ” nguyên nhân vì sao hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan ở Việt Nam.
Một là, do Việt Nam vẫn chưa bắt đúng bệnh hàng nhái, hàng giải, chất lượng hàng hoá của chúng ta chưa tốt, hàng sản xuất trong nước chưa bảo đảm chất lượng.
Hai là, quy định pháp luật chưa nghiêm, nhiều kẻ hở. Người kinh doanh chưa có ý thức để loại trừ hàng giả.
Ba là, trách nhiệm quản lý kém, một số bộ phận cơ quan chức năng làm lơ tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái, buôn lậu. Khi phát hiện thì xử lý không nghiêm.
Phó Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, quy mô hàng giả không giảm, tồn tại kéo dài bởi chưa tạo làn sóng lên án mạnh mẽ hàng nhái, hàng giả trong người dân. Muốn chống hàng giả hàng nhái phải dựa vào dân, vào hệ thống chính trị, phân trách nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị. Đồng thời, phải đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao ý thức người dân, người kinh doanh không bao che tiếp tay, sử dụng hàng nhái. Việc này phải làm thường xuyên, bền bỉ.
"Cần phải tránh tình trạng ở hội trường thì nói mạnh nhưng về nhà lại lơ là. Chủ tịch tình, huyện, xã phải chịu trách nhiệm về hàng giả tràn lan trên địa bàn. Cần trang bị phương tiện để kiểm tra, phát hiện hàng giả, tránh tình trạng kiểm tra bằng miệng như Bộ trưởng Công Thương phản ánh”, ông Phúc chia sẻ.
Phó Thủ tướng khẳng định, các cán bộ tiếp tay buôn lậu, biết mà không bắt là có tội với dân. Các cơ quan chức năng phải tiếp tục đẩy mạnh sản xuất hàng trong nước với giá cả hợp lý, bảo đảm chất lượng, sản phẩm trong nước tốt, giá rẻ sẽ hạn chế được hàng giả. Thời gian tới sẽ tiến tới công khai các đối tượng kinh doanh, buôn bán hàng giả.
Nhiều doanh nghiệp bức xúc vì hàng giả
Tại hội nghị, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen tỏ ra rất bức xúc về vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Ông Vũ cho biết, tập đoàn Hoa Sen đứng đầu Đông Nam Á và lọt top 10 thế giới về ngành tôn. Đồng thời là doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất của tỉnh Bình Dương, mỗi năm góp hơn 1000 tỷ đồng.