Bài viết liên quan
Giá rau đang có xu hướng giảm mạnh vì nguồn cung dồi dào
Giá không tăng đột biến như mọi năm
Thời tiết vụ Đông Xuân năm nay nhiệt độ cao, không có những đợt rét buốt kéo dài, thay vào đó là hình thái thời tiết nóng kèm theo nồm ẩm, thúc đẩy rau xanh phát triển mạnh. Khắp các vùng trồng rau tập trung của Hà Nội như Hoài Đức, Đan Phượng, Mê Linh… rau phát triển xanh, tốt. Cũng bởi vậy, thị trường rau xanh cung ứng cho thị trường Thủ đô ngay sau dịp Tết Nguyên đán 2015 luôn dồi dào, giá cả đang có xu hướng giảm.
Vùng sản xuất rau an toàn của HTX Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức được phủ một màu xanh của rau cải chíp, cải ngọt, cải mơ đang độ thu hoạch. Chị Nguyễn Thị Làn, xã viên HTX Tiền Lệ cho biết, từ mùng 5 Tết, người dân bắt đầu thu hoạch rau đem bán nhưng phải từ mùng 10 trở đi, lượng hàng bán ra mới nhiều. Hiện tại mỗi ngày gia đình chị Làn thu hoạch khoảng 100kg rau các loại. Theo chị, giá các loại rau ăn lá trung bình khoảng 10.000 - 13.000 đồng/kg, tương đương thời điểm trước Tết Nguyên đán chứ không tăng đột biến so với nhiều năm. Theo thống kê của HTX rau an toàn Tiền Lệ, hiện HTX còn khoảng 20ha rau đang cho thu hoạch, sản lượng cung cấp ra thị trường từ 2 - 3 tấn/ngày. Trong số đó, loại rau đang có giá cao nhất là cải bó xôi từ 15.000 - 17.000 đồng/kg, còn lại vẫn ở mức tương đương hoặc nhỉnh hơn một chút so với thời điểm trong Tết.
Trong khi các loại rau ăn lá giữ được mức giá ổn định thì một số loại củ như su hào, cà rốt, bắp cải lại giảm giá khá mạnh. Phương Viên, xã Song Phương, huyện Hoài Đức là vựa trồng các loại rau dài ngày như bắp cải, su hào đang thất thu lớn. Bà Nguyễn Thị Bé, thôn Phương Viên chia sẻ, giá cải bắp chỉ 1.000 đồng/kg, su hào 1.000 - 1.500 đồng/củ bán buôn và 2.000 đồng/củ bán lẻ. "Giá rẻ nhưng cũng còn ít nhiều tiêu thụ được, chứ như thời điểm trong Tết, không có ai mua, nhiều ruộng su hào, cải bắp phải để quá lứa", bà Bé thông tin.
Tương tự, bà con nông dân ở phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) cũng điêu đứng vì giá cả các loại rau củ giảm mạnh. Ông Đỗ Đắc Son ở phường Tây Tựu cho biết: "Các loại rau củ năm nay rẻ lắm, rẻ không bằng một nửa những năm trước. Năm trước, rau thơm bán được 5.000 - 10.000đồng/kg tùy thời điểm, năm nay chỉ được 2.000đồng/kg. Hôm qua, gia đình tôi đã phá bỏ đi 2 luống rau quá lứa vì không bán được nên không thu hoạch". Ông Son nhẩm tính, nếu như năm trước với diện tích 2 sào rau, gia đình ông có thể thu về từ 2 - 2,5 triệu đồng, nhưng vụ rau năm nay, chỉ thu về chưa đầy 1 triệu đồng.
Diện tích tăng mạnh gây "thừa cung"
Theo các hộ trồng rau ở Tây Tựu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá rau củ giảm là do diện tích trồng năm nay tăng mạnh, trung bình mỗi hộ đều trồng từ 2-3 sào. Thậm chí, không ít hộ còn phá bỏ diện tích trồng hoa để chuyển sang trồng rau vì theo đà năm ngoái, lợi nhuận từ trồng rau xanh cao hơn. Cũng bởi vậy, một số diện tích rau quá lứa do không tiêu thụ được người dân Tây Tựu đã phải nhổ bỏ đi, trong đó phần lớn là cải cúc, cải mơ.
Hiện tại, do giá nhiều chủng loại rau xanh xuống thấp, một số vùng trồng rau chuyên canh đã chuyển sang các loại rau khác, phù hợp với điều kiện thời tiết nóng, ẩm như rau dền, rau muống... Ông Nguyễn Văn Hào - Chủ nhiệm HTX rau an toàn Tiền Lệ cho biết, HTX cũng đã khuyến cáo bà con chuyển đổi sang các loại rau khác để tránh tình trạng nguồn cung quá lớn và giá giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số biện pháp trừ sâu, bệnh bằng cơ học, sinh học cũng được HTX tập huấn, phổ biến cho bà con áp dụng.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến nay, toàn TP đã gieo trồng được khoảng 4.000ha rau vụ Xuân. Ngoài sản lượng rau tự sản xuất, thị trường Hà Nội còn được cung cấp một lượng lớn rau, củ từ các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam… Trong khi đó, nhiều năm trở lại đây, nông dân nhiều vùng sản xuất đã chuyển đổi từ trồng lúa, trồng màu sang trồng rau vì thu nhập cao. Do vậy, thị trường rau xanh thời gian gần đây thường rơi vào tình trạng "thừa cung", giá giảm hoặc dư thừa phải đổ bỏ cho gia súc, gia cầm.