Quả lê để 5 tháng nhưng chỉ hơi héo mà PGS-TS Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, công bố mới đây khiến dư luận càng thêm lo ngại về các chất độc hại trong trái cây Trung Quốc.
Coi chừng sản phẩm “đẹp mã”
PGS-TS Phạm Xuân Đà cho biết ông mua trái lê Trung Quốc này ở Hà Nội và để trong môi trường bình thường. Sau 5 tháng, trái lê chỉ héo một chút. Điều đáng lo ngại là, theo ông Đà, để kiểm nghiệm xác định quả lê chứa chất gì mà có thể tươi lâu như vậy lại không hề dễ dàng.
Trái cây Trung Quốc được bán phổ biến tại các chợ ở Việt Nam
Đây không phải lần đầu tiên những thông tin về rau quả Trung Quốc chứa “chất lạ” khiến dư luận hoang mang. Trước đó, Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông từng phát hiện một mẫu lê nhập từ Trung Quốc chứa dư lượng thuốc trừ sâu Endosulfan. Đây là hóa chất độc hại thứ 22 trong danh sách cần loại trừ trên toàn cầu của Liên Hiệp Quốc bởi độc tính cao, có thể phá vỡ hệ nội tiết hoặc ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản của con người.
Táo Trung Quốc hạt mốc xanh trong khi vỏ, ruột vẫn tươi ngon
Đối với rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc, táo là một trong những loại khiến người tiêu dùng lo ngại hơn cả. Táo Trung Quốc vốn “đẹp mã”, ăn giòn, ngọt nhưng là loại trái cây tù mù về chất lượng nhất. Mới đây, chị Bùi Kim Oanh - ngụ phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội - mua 2 kg táo Trung Quốc về ăn.
“Nhiều quả khi bổ ra thì hạt đã mốc xanh hoặc mục thối, trong khi vỏ ngoài vẫn trơn láng, ruột giòn tươi. Không hiểu người ta dùng chất bảo quản gì mà quả táo trông bên ngoài vẫn tươi ngon nhưng phần hạt lại đáng sợ như vậy. Tôi thử để táo ở môi trường tự nhiên cả tuần lễ nhưng chỉ thấy quả thâm hơn, còn khi bổ ra ruột vẫn giòn và ngọt” - chị băn khoăn.
PGS-TS Phạm Xuân Đà cho biết tình trạng rau quả Trung Quốc nghi chứa hóa chất bảo quản độc hại đã xuất hiện từ rất lâu, cơ quan chức năng nhiều lần lấy mẫu để kiểm tra nhưng không phát hiện gì bất thường vì không đủ phương tiện và căn cứ để đọc tên hóa chất ấy. Hiện nay, có đến 2.000 hóa chất bảo vệ thực vật, bảo quản rau quả được sử dụng nhưng labo trong nước chỉ có chất thử và phương pháp định danh khoảng 600 loại.
“Nếu không thống nhất về chất thử và phương pháp thử, kết quả sẽ không chính xác. Không định danh được “chất lạ” đó là gì thì sẽ không biết được nguy cơ khi dùng rau quả chứa các chất ấy. Hiện labo của Viện Kiểm nghiệm quốc gia về an toàn và vệ sinh thực phẩm đang dùng máy sắc ký lỏng khối phổ hiện đại, mỗi lần quét có thể được 300-400 chất. Tuy nhiên, đây chỉ là những chất có trong danh mục cần kiểm soát. Còn nếu rau quả được tẩm các chất mới, chất lạ để bảo quản thì rất khó phát hiện. Bởi lẽ, về nguyên tắc thì phải có chất chuẩn mới định danh được chất bảo quản” - ông Đà phân tích.
Nhập hàng ngàn tấn mỗi ngày
Theo số liệu của UBND tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm đến tháng 9-2014, đã có 235.000 tấn rau quả các loại nhập khẩu chính ngạch từ Trung Quốc qua các cửa khẩu của tỉnh, trung bình mỗi ngày 700-1.000 tấn. Các loại rau quả nhập nhiều gồm: quýt: hơn 20.000 tấn, cam tươi: 20.000 tấn, táo: 11.500 tấn, dưa hấu: gần 2.000 tấn, xoài: 900 tấn, mận: 94 tấn, bưởi: 30 tấn, tỏi: khoảng 94.000 tấn, cà chua: 46 tấn, hành tây: 27.000 tấn, cà rốt: 7.000 tấn, nấm tươi: 3.000 tấn...
Riêng mặt hàng táo, theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, 7 tháng đầu năm 2014, Việt Nam nhập gần 38.600 tấn, chủ yếu từ Trung Quốc, Mỹ, New Zealand, Úc, Canada. Trong đó, táo Trung Quốc đứng đầu về số lượng nhập khẩu, chiếm gần 60%. Dù có không ít lo ngại về chất bảo quản trong sản phẩm táo Trung Quốc nhưng lượng tiêu thụ của loại trái cây này vẫn rất lớn.
“So với táo nhập khẩu từ các nước khác thì táo Trung Quốc có giá rất mềm, chỉ 20.000- 30.000 đồng/kg, rẻ hơn táo Úc, Mỹ 2-3 lần” - bà Nguyễn Thị Vân, tiểu thương chợ Long Biên (Hà Nội), so sánh.
Trước những băn khoăn về tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, chất bảo quản trong rau quả Trung Quốc, mới đây, Bộ Y tế đã lấy 15 mẫu dưa hấu, lê và táo tại cửa khẩu Tân Thanh ở tỉnh Lạng Sơn để xét nghiệm.
Theo ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, ngoài số mẫu trái cây này, cơ quan chức năng đang tiếp tục lấy thêm nhiều mẫu tại các chợ ở Hà Nội, cửa khẩu Móng Cái, Lào Cai và một số tỉnh, thành khác kiểm nghiệm để có thể đánh giá tổng thể về rau quả nhập khẩu.
Ông Trung cho biết theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn, không chỉ rau quả Trung Quốc xuất sang Việt Nam được tẩm các chất bảo quản. Ngay cả trái cây của Việt Nam được Trung Quốc nhập về trước khi đem bán cũng xử lý bằng quy trình tương tự. Chỉ có điều, hàm lượng hóa chất sử dụng vào lô hàng xuất sang Việt Nam là bao nhiêu, đó là chất gì thì vẫn chưa rõ.
Không nên ăn trái cây trái vụ Theo một số người kinh doanh rau quả, với trái cây, nhất là những loại trái vụ, thông thường đều sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản nên nguy cơ vượt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoàn toàn có thể xảy ra. “Do đó, theo kinh nghiệm, người tiêu dùng không nên ăn các loại trái cây trái vụ để tránh các nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm” - bà Nguyễn Thị Vân, tiểu thương chợ Long Biên, khuyên. |