Rau quả nội địa đang mất dần thị trường trong nước

Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm này, Thái Lan đã chính thức trở thành nước xuất khẩu rau quả nhiều nhất vào thị trường nội địa theo đường chính ngạch.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Thái Lan về Việt Nam đạt giá trị 73 triệu USD. Đến hết tháng 7, con số này tăng thêm tới 33 triệu USD, đạt mức 106 triệu USD, chiếm 34,2% thị phần so với 23,1% của Trung Quốc. Trong 8 tháng năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu 125,1 triệu USD rau, quả từ Thái Lan.

Con số mới nhất tính đến cuối quý 3, lượng nhập khẩu rau quả từ nước này vào Việt Nam đã đạt trên 135 triệu USD, trong khi nhập từ Trung Quốc chưa tới 100 triệu USD. Như vậy, trung bình mỗi tháng chúng ta bỏ ra khoảng 300 tỉ đồng cho việc nhập khẩu rau, quả từ Thái Lan.

Lý giải cho hiện tượng rau quả Thái Lan được dùng nhiều ở thị trường nội địa

Đánh giá về hiện tượng trên, một chuyên gia kinh tế phân tích, cùng một loại trái cây nhưng chất lượng cũng có một số khác biệt nên hàng Thái dễ dàng cạnh tranh với hàng trong nước. Thêm vào đó, giá trái cây Thái không cao hơn bao nhiêu so với hàng trong nước (trung bình cao hơn 5.000đ-7.000đ/kg) nên người tiêu dùng có xu hướng thích mua hàng Thái hơn.

Một chủ vựa trái cây tại TP Hồ Chí Minh cho biết, khó mà so sánh trái cây Việt và trái cây Thái, loại nào ngon hơn nhưng có một điều mà hàng Thái hơn là trái cây của họ nhìn rất bắt mắt: quả to, bóng, đều, đẹp. Họ đáp ứng được số lượng lớn mà chất lượng khá đồng nhất.

Hoa quả nhập khẩu, nhất là hoa quả Thái Lan đang lấn át hoa quả Việt ngay trên thị trường trong nước, do đó, rất cần các giải pháp tháo gỡ tình trạng này.
Hoa quả nhập khẩu, nhất là hoa quả Thái Lan đang lấn át hoa quả Việt ngay trên thị trường trong nước, do đó, rất cần các giải pháp tháo gỡ tình trạng này.

Không phủ nhận một thực tế rằng: trái cây Thái Lan đang áp đảo tại các chợ truyền thống Việt. Riêng một số mặt hàng như sầu riêng, chôm chôm, bòn bon, me, măng cụt, xoài đều từ Thái. Trong khi xuất khẩu trái cây đang đạt những kết quả ấn tượng, với việc các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản, New Zealand... đang gia tăng nhập khẩu trái cây Việt thì chính thị trường trong nước lại bị bỏ ngỏ và bị trái cây nhập khẩu Thái Lan lấn át. Điều này đòi hỏi những nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia và cả chính người tiêu dùng trong nước - cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại, tìm cách tháo gỡ tình trạng này.

Đồng bộ các giải pháp, trong đó ưu tiên cho thị trường nội địa

Đại hội Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhiệm kỳ III (2013-2018) đã chỉ rõ, ngành rau quả hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Như số liệu thống kê xuất nhập khẩu, từ trước đến nay, Hiệp hội chỉ nhận được từ Bộ Công Thương số liệu kim ngạch xuất khẩu rau quả theo thị trường, không có số liệu xuất khẩu theo khối lượng, mặt hàng hay giá xuất khẩu. Việc thiếu số liệu làm cho công tác dự báo, dự đoán tình hình xuất khẩu và giá cả thị trường bị hạn chế. Về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, hiện các cơ sở trồng rau quả được chứng nhận VietGAP còn quá ít nên doanh nghiệp phải mua thêm hàng không có VietGAP.

Thanh long là loại trái cây Việt Nam hiện đang được xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới .
Thanh long là loại trái cây Việt Nam hiện đang được xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới .

Ngoài ra, doanh nghiệp rau quả hoạt động không ổn định, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, dễ bị tổn thương trong khủng hoảng kinh tế. Thời gian qua, nhiều hội viên hiệp hội đã phá sản, thua lỗ, giải thể, ngưng sản xuất, chuyển đổi ngành nghề. Các kiến nghị biện pháp phát triển ngành rau quả và bảo vệ quyền lợi hội viên tuy đã được Bộ ghi nhận nhưng mới có một số kiến nghị được giải quyết như mở cửa thị trường khó tính, bỏ thuế môi trường đối với túi nylong đựng hàng xuất khẩu... Do đó, trong chiến lược phát triển ngành rau quả hiện nay, Hiệp hội rau quả Việt Nam đề xuất nhiều nhóm giải pháp cụ thể, bao gồm:

Về nhóm giải pháp về sản xuất, Hiệp hội cho rằng, cần xác định và qui hoạch vùng sản xuất và chủng loại trái cây có lợi thế cạnh tranh; Nâng cao chất lượng giống, ứng dụng giải pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, sạch bệnh; Ứng dụng rộng rãi công nghệ bảo quản sau thu hoạch...

Về nhóm giải pháp về tiêu thụ, cần phát triển thị trường xuất khẩu dựa vào phát triển thị trường nội địa; Ưu tiên cơ cấu tiêu thụ tươi trước sau đó là chế biến; Phát triển hệ thống lưu thông phân phối; Xây dựng quan hệ sản xuất - tiêu thụ phù hợp; Phát huy thế mạnh của thị trường xuất khẩu trái cây nhiệt đới, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm rau quả với xu hướng: dùng nhiều hơn các sản phẩm rau quả tiện lợi; sản phẩm ngày càng đa dạng (do công nghiệp chế biến ngày càng phát triển); tăng tiêu dùng trái cây nhập khẩu, đặc sản; gia tăng nhu cầu về sản phẩm an toàn, sản phẩm hữu cơ cũng như các sản phẩm chế biến sẵn; phát triển thương hiệu, phân cực thị trường lớn (hàng cao cấp - hàng bình dân) cùng với những yêu cầu thông tin về sản phẩm trên nhãn ngày càng công khai, trung thực và cụ thể...

Để phát triển ngành rau quả bền vững, theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, đã đến lúc cần tiến hành một cách nghiêm túc công tác qui hoạch, xác định vùng sản xuất và chủng loại rau quả có lợi thế cạnh tranh. Các cơ quan quản lý hữu quan cần hỗ trợ chính sách thiết thực hơn về công tác nâng cao chất lượng giống, tổ chức sản xuất, lai tạo và nhập các giống có chất lượng cao. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi tổ chức sản xuất rau quả tập trung, tạo nguồn cung cấp lớn và ổn định, có điều kiện áp dụng và kiểm soát bảo vệ thực vật cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đáng chú ý, cần có những chính sách hỗ trợ thích đáng về khuyến khích xuất khẩu, vốn vay, thuế, cước phí vận tải, chứng nhận quy trình quản lý chất lượng, đối tượng đầu tư, sản xuất tiêu thụ rau quả. Có chính sách đặc biệt ưu đãi đối với đầu tư sản xuất sản phẩm hữu cơ.

Ngoài ra, phải đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến kỹ thuật canh tác nâng cao chất lượng, bảo vệ thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm, lợi ích tiêu dùng trái cây; Củng cố và phát huy tác dụng của các kho bảo quản, kho trung chuyển và các chợ đầu mối; Tiếp tục hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu trưng bày sản phẩm và xây dựng thương hiệu trái cây Việt Nam.

Hơn nữa, phải tăng cường vai trò Hiệp hội trái cây và phát huy mối quan hệ giữa thành viên và Hiệp hội cũng như triển khai hiệu quả mối liên kết 4 nhà trong sản xuất trái cây Việt đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong một thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay.