Quản lý xăng dầu chưa “đột phá”

Khi thị trường xăng dầu chưa được vận hành theo cơ chế thị trường, sự kỳ vọng về một thị trường xăng dầu công khai, minh bạch xem ra chưa thể đạt được.

Nhiều điểm mới, nhưng...

Sau một thời gian dài chờ đợi, qua nhiều lần dự thảo, Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP chính thức được Chính phủ ban hành vào đầu tháng 9.

Một trong những điểm mới của Nghị định đó là sự thay đổi về biên độ điều chỉnh giá. Theo Nghị định cũ, nếu các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 7% trở xuống so với giá bán lẻ hiện hành thì DN được điều chỉnh giá tương ứng. Quy định tại Nghị định mới, biên độ điều chỉnh giá bán lẻ dựa trên giá cơ sở được áp dụng như sau: Khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng 3%, từ trên 3% đến 7% và trên 7% thì sẽ có các điều chỉnh tương ứng; trong khi biên độ này ở Nghị định 84 lần lượt là 7%, từ trên 7% đến 12% và trên 12%. Theo đó, nếu các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 3% trở xuống so với giá cơ sở liền kề trước đó thì thương nhân đầu mối được điều chỉnh giá tương ứng. Giá cơ sở biến động khoảng từ 3 đến 7% thương nhân đầu mối được điều chỉnh giá một phần, một phần sử dụng Quỹ Bình ổn giá nhằm giảm bớt mức giá điều chỉnh.

Trong một lần trả lời trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ mới đây, ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, nếu như vẫn áp dụng biên độ điều chỉnh giá quy định tại Nghị định 84 quy về con số tuyệt đối sẽ rất lớn. Ví dụ, giá bán lẻ xăng RON 92 hiện nay là 23.746 đồng/lít, ứng với mức 7% là xấp xỉ 1.700 đồng/lít, với mức 12% là khoảng trên 2.800 đồng/lít… "Nếu thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ theo các biên độ này, mức điều chỉnh sẽ gây "sốc" cho nền kinh tế và tâm lý người tiêu dùng. Nhưng nếu áp dụng biên độ quy định tại dự thảo Nghị định (thời điểm ông Tú trả lời dự thảo, Nghị định chưa được ban hành- PV) là 3%, tương ứng khoảng trên 700 đồng/lít sẽ ít tác động tới tâm lý người tiêu dùng hơn", ông Tú phân tích.

Bên cạnh đó, Nghị định quy định thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá và tối đa 15 ngày với trường hợp giảm giá.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Nghị định mới đã tạo môi trường cạnh tranh hơn trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Chẳng hạn, nếu như trước đây chỉ có DN đầu mối được quy định giá bán xăng dầu trong hệ thống của mình, thì nay Nghị định mới cho phép DN phân phối xăng dầu cũng được quy định giá bán xăng dầu trong hệ thống của mình, đồng thời DN phân phối xăng dầu được mua hàng từ nhiều đầu mối, từ đó tạo ra mức giá bán lẻ khác nhau để bớt đi chế độ một giá trên toàn quốc và giữa các đơn vị.

..."mấu chốt" chưa thay đổi

Không phủ nhận những điểm mới trong Nghị định nhưng khi trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho hay, sự điều chỉnh trong Nghị định 83 không đáng kể bởi hai điểm "mấu chốt" vẫn không được điều chỉnh.

Trước tiên, giá cơ sở vẫn không thay đổi. "Mặc dù biên độ điều chỉnh giá đã giảm xuống 3% nhưng điều này không nói lên điều gì bởi Nghị định chưa ghi rõ mức lên xuống phải phù hợp với xu hướng thị trường chứ không phải DN được quyền tự quyết 'lên 3 hay xuống 3' thoải mái", ông Phong nói. Thêm nữa, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vẫn không có gì thay đổi, không đạt mục tiêu đặt ra, thậm chí còn gây nhiễu cho thị trường mỗi khi trích lập, xả Quỹ đều làm biến dạng, "méo mó" giá thị trường. Chưa kể, loại quỹ ghi sổ tại các đơn vị rất dễ bị lạm dụng, khó kiểm soát, kiểm toán. Do vậy, ông Phong cho rằng, để ngăn chặn được việc lạm dụng trong điều chỉnh giá, cần phải bổ sung vào thông tư hướng dẫn rõ ràng hơn và có chế tài phạt những khoản thu bất chính (kể cả chế tài về tài chính và hành chính).

Một điều đáng quan tâm nữa mà nhiều vị chuyên gia cũng đặt ra là thị trường xăng dầu hiện nay vẫn là độc quyền nhóm. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc điều hành giá xăng dầu vẫn chưa thực sự vì lợi ích người tiêu dùng. Khi gốc vấn đề là thị trường xăng dầu cạnh tranh chưa được hình thành, chưa có thì Nghị định 83 dù mới, vẫn không thể thoát được tư duy điều hành phi thị trường. Trên thực tế, mặc dù thị trường xăng dầu có đến 21 DN tham gia kinh doanh nhưng khoảng 50% thị phần xăng dầu hiện nay vẫn thuộc về Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), có bộ chủ quản là Bộ Công Thương. Nếu để Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại DN quản lý như hiện nay, khi quyền điều hành giá xăng dầu thuộc về Bộ Công Thương thì sẽ khó tránh khỏi tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Còn theo ý kiến của ông Nguyễn Minh Phong, phải tách Quỹ Bình ổn giá ra khỏi quỹ kinh doanh của DN, trở thành quỹ an ninh năng lượng quốc gia chứ không phải là quỹ bình ổn giá.

Để điều hành giá xăng dầu theo thị trường một cách đúng nghĩa, các chuyên gia cho rằng, nên giảm vai trò thống lĩnh thị trường của các DN thị phần lớn. Bởi chỉ khi nào thị trường xăng dầu thực sự có cạnh tranh về giá giữa các DN thì giá xăng dầu mới được điều hành bám sát thị trường.