Mảng xám trước cổ phần Trao đổi với phóng viên TBNH ngày 8/1, ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Vinafood 2 cho biết, năm nay Tổng công ty sẽ dành khoảng 12.000 tỷ đồng để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn này được chia làm 2 phần: một phần do Tổng công ty quản lý và điều phối, phần còn lại dùng để bảo lãnh cho các công ty thành viên nhằm chủ động tổ chức thực hiện các kế hoạch sản xuất-chế biến xuất khẩu. Với nguồn lực tài chính như trên, rõ ràng trong bối cảnh bắt buộc phải cổ phần hóa theo lộ trình được Chính phủ phê duyệt, trong năm 2015 Vinafood 2 sẽ gặp khó khăn lớn trong việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo, bởi phải nhanh chóng xử lý các khoản lỗ tồn đọng từ nhiều năm trước của các DN thành viên. Đến cuối tháng 12/2014, những khoản lỗ và nợ khó đòi ở 19 đơn vị thành viên của Vinafood 2 (ước khoảng 850 tỷ đồng) vẫn chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan thanh tra. Do vậy, trong quý I/2015, tức là ngay trong thời điểm vụ Đông Xuân 2014-2015 diễn ra, Vinafood 2 vẫn sẽ phải bận rộn với công việc kiểm tra, thu nợ và thoái vốn ngoài ngành ở các đơn vị liên kết. Việc xử lý các khoản lỗ này chắc chắn sẽ khiến Vinafood 2 không thể dồn toàn tâm toàn lực cho việc tái cơ cấu phương thức kinh doanh và đầu tư lớn cho vùng lúa nguyên liệu. Bằng chứng là trong kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu lúa theo mô hình cánh đồng liên kết của mình, Vinafood 2 chỉ dám lên kế hoạch xây dựng khoảng 30.000 ha trong vụ Đông Xuân 2014-2015. Trong đó, chỉ có khoảng 10.000 ha được DN bỏ vốn tài trợ vật tư đầu vào như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… theo phương thức trả chậm, 20.000 ha còn lại Vinafood 2 chỉ cam kết bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường mà không có hoặc đầu tư rất ít cho các hộ dân tham gia mô hình. Kỳ vọng hợp tác tín dụng Trong hoàn cảnh trên, để bổ sung vào mảng vốn đầu tư cho vùng nguyên liệu lúa gạo, trong năm 2015, Vinafood 2 chỉ còn cách hợp tác tín dụng với các NHTM. Việc "kéo" vốn của các ngân hàng vào cánh đồng liên kết sẽ được DN này đặt lên làm chiến lược toàn diện của Tổng công ty nhằm thay đổi cách thức đầu tư cho vùng nguyên liệu lúa. Ghi nhận đến thời điểm hiện nay, Vinafood 2 đã liên kết được với 4 NHTM là MHB, LienVietPostBank, VietBank và HDBank. Ở mỗi hợp đồng liên kết, các ngân hàng đều đồng ý tài trợ vốn cho thương lái, nhà máy, hợp tác xã, DN cung ứng lúa gạo và các đơn vị thành viên của Vinafood 2 theo hình thức "tín dụng mở". Có nghĩa rằng, trong quá trình liên kết, tùy theo năng lực của các bên tham gia, phía ngân hàng có thể linh hoạt cho vay với mức tín dụng và thời hạn phù hợp. Ông Năng cho biết, để sử dụng hiệu quả và quản lý tốt dòng vốn vay, Vinafood 2 chủ động tạo dựng 2 chuỗi liên kết sẵn để gọi vốn các NHTM tham gia vào với tư cách thành viên. Ở chuỗi thứ nhất, ngân hàng sẽ tham gia vào từ khâu trồng lúa đến khâu xuất khẩu gạo. Cách thức này được thực hiện giống như cách mà các ngân hàng đang triển khai đối với Chương trình cho vay thí điểm phát triển nông nghiệp. Nguồn vốn vay sẽ được rót xuống Vinafood 2 và các đơn vị thành viên thông qua các đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp theo từng khâu đoạn của quá trình sản xuất - chế biến - xuất khẩu. Ở chuỗi thứ 2, các NHTM sẽ căn cứ vào năng lực và cơ hội kinh doanh của mình để chỉ tập trung cho vay vào một hoặc một số khâu đoạn trong quá trình sản xuất - kinh doanh của chuỗi liên kết. Vừa qua, Vinafood 2 còn đạt được thỏa thuận với HDBank, sẽ cấp vốn theo hai chiều từ trên xuống và từ dưới lên. Theo đó, ngoài việc cho vay theo mô hình hai chuỗi như trên, Vinafood 2 sẽ tập hợp các đơn vị hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất lớn… đang liên kết trong mô hình cánh đồng mẫu của mình, giới thiệu thẳng lên HDBank để ngân hàng này trực tiếp cho vay theo hạn mức phù hợp. Với cách làm này, rõ ràng Vinafood 2 đang kỳ vọng có thể trở thành "đơn vị bảo lãnh" tín dụng để người nông dân vay vốn thông qua việc bao tiêu sản phẩm. DN xuất khẩu gạo hàng đầu này kỳ vọng bằng cách thức gọi vốn từ các NHTM đến năm 2020 sẽ xây dựng được khoảng 800 ngàn ha lúa nguyên liệu theo mô hình cánh đồng liên kết. Điều này cho thấy, việc tái cấu trúc ngành sản xuất, xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam trong 5-6 năm tới đây có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn của các NHTM. Thực tế này một mặt mở ra cơ hội lớn để các NHTM tham gia nhiều hơn vào xu hướng sản xuất nông sản hàng hóa, một mặt tạo ra thách thức mới để các nhà băng chủ động thay đổi tư duy và sản phẩm tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn.
|