Thời gian gần đây, dư luận đang nhắc nhiều tới một loại cây được mệnh danh là "nữ hoàng" của các loại quả khô. Cũng có người cho rằng, nó có thể trở thành một loại cây tỉ USD, giúp tăng hiệu quả sản xuất của ngành nông nghiệp - cây mắc ca. Điều này một lần nữa lại được khẳng định trong một cuộc hội thảo vừa được tổ chức tại Lâm Đồng vào tuần trước đưa ra nhiều ý kiến sẽ phát triển cây mắc ca trở thành cây công nghiệp chiến lược mới, mang lại giá trị cao.
Cây mắc ca là gì?
Mắc ca có nguồn gốc xuất xứ từ các rừng cận nhiệt đới châu Úc. Khi được chuyển về trồng ở Hawai, Mỹ, nó trở thành sản phẩm được xuất khẩu với quy mô lớn. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, nhân hạt mắc ca có chứa nhiều đường bột, chất khoáng, vitamin, với hàm lượng dầu tới 78%, cao hơn lạc, hạt điều. Các chuyên gia còn so sánh 2 thìa cà phê bột mắc ca có lượng canxi nhiều gấp 3 lần 1 cốc sữa đầy.
Ngoài ra, hạt mắc ca còn có công dụng trong việc giảm cholesterol, chữa các bệnh về trầm cảm, bổ xương, khớp, giúp tăng cường trí nhớ…
Hiệu quả kinh tế từ cây mắc ca
Hiện, 1kg hạt mắc ca được bán với giá 3,5 USD. Australia hiện đang nắm giữ 40% sản lượng hạt mắc ca cung cấp cho toàn thế giới, với tổng giá trị thương mại lên tới khoảng 200 triệu USD/năm. Tiếp theo là Hawaii, Nam Phi và nhiều nước ở châu Phi.
Tiềm năng tiêu thụ mắc ca trong tương lai
Với nhiều công dụng trong sức khỏe, hạt mắc ca đang rất được ưa chuộng tại thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Do vậy, một số nước ở châu Á như Trung Quốc, Thái Lan đang đưa vào sản xuất loại cây này.
Tại Việt Nam, cây mắc ca được đưa giống về từ Australia vào năm 2004, nhưng sau khi khảo nghiệm, đến năm 2013, 10 giống mắc ca đạt chất lượng mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép đưa vào trồng. Và thực tế ở Tây Nguyên, những cây mắc ca đã cho thu hoạch.
Quả mắc ca hiện được bán với giá khoảng 150.000 đồng/kg, chủ yếu để làm giống. Theo tính toán, giá trị này cao gấp 2 lần so với chè và 3 lần so với cà phê. Điều kiện sinh thái của khu vực Tây Nguyên được đánh giá là phù hợp nhất với cây mắc ca. Do đó, cây mắc ca đã xuất hiện ở cả 5 tỉnh Tây Nguyên, với diện tích hơn 1.600 ha.
Mắc ca là 1 trong 7 cây lâm sản ngoài gỗ, trong nhóm 25 cây chủ lực của ngành nông nghiệp. Nó có thể trở thành cây công nghiệp chiến lược mới, mang về hàng tỉ USD, tiến tới mở rộng diện tích trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, đó cũng mới chỉ là những kỳ vọng, còn trên thực tế đã có nhiều bài học kinh nghiệm về việc ồ ạt trồng, vỡ quy hoạch, mất cân đối cung - cầu, ép giá của các mặt hàng nông sản. Nhiều chuyên gia nông nghiệp và các nhà khoa học nhấn mạnh việc phát triển cây mắc ca ở Việt Nam thành cây công nghiệp chiến lược mới là không thể nóng vội. Bởi dù có nhiều tiềm năng nhưng việc làm này ở Việt Nam vẫn còn không ít rào cản.