Trong khi đó, lực lượng chức năng cho biết dù kiểm tra khắp nơi nhưng gần như bất lực trước vấn nạn này...
Sử dụng phải phân bón giả, kém chất lượng khiến năng suất cây trồng cũng kém đi, thậm chí mất trắng cả vụ.
Ám ảnh phân bón giả
Vừa thu hoạch lúa vụ ba xong, ông Nguyễn Văn Hóa (xã Vĩnh Châu, TP Châu Đốc, An Giang) như “người mất hồn” vì trong khi nhiều thửa ruộng xung quanh trồng cùng loại giống đều trúng đậm, ruộng lúa của gia đình ông giảm gần một nửa.Ông Hóa kể tháng 10-2014, khi lúa vừa chớm đòng, ông đã mua loại phân bón lá để bón dưỡng cho lúa. Thế nhưng, sau hai đợt phun đám ruộng hơi ngả màu vàng, sau đó bông chỉ trổ thưa thớt, nhiều hạt lép.
“Tôi lo lắng tìm hiểu mới biết mình mua phải loại phân giả nhái sản phẩm Boom-n flower” - ông Hóa giải thích.
Từng rơi vào cảnh thất bát vì phân bón, ông Trương Văn Son (xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, Hậu Giang) trong vụ lúa này cũng đang đau đầu khi chọn mua phân bón, bởi bài học mua nhầm phân bón giả vẫn còn ám ảnh.
“Vụ lúa trước tôi mua sáu bao phân kali để bón cho 3ha lúa của đại lý vật tư nông nghiệp ở thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A. Thế nhưng sau khi rải, cây lúa vẫn cứ èo uột. Tình cờ nghe đài biết cơ quan chức năng phát hiện loại phân bón giả cùng nhãn hiệu với loại mình vừa sử dụng, nên lấy một ít phân đem ngâm nước thì thấy... toàn muối cục và phẩm màu. Năng suất lúa vụ đó giảm 100-200kg/công (1.000m2), tổng cộng mất 6 tấn lúa” - ông Son bức xúc.
Theo ông Phan Lợi - phó giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang, phân bón thường bị làm giả các thương hiệu được tiêu thụ mạnh, chẳng hạn phân bón lá hiệu Boom-n flower...
Mới đây Chi cục Quản lý thị trường An Giang phối hợp với thanh tra Sở NN&PTNT và phòng an ninh kinh tế Công an An Giang kiểm tra cơ sở sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và kho chứa hàng của Công ty TNHH MTV Thùy Dung, địa chỉ lô 3, S1 đường Nguyễn Hữu Thọ, P.Mỹ Phước, TP Long Xuyên.
Đoàn đã lập biên bản, tạm giữ tang vật gồm tám thùng phuy nguyên liệu dùng làm thuốc trừ sâu, 80kg vỏ hộp và nhãn thuốc trừ sâu, 7.600 chai nhựa, 2.049 chai thuốc trừ sâu các loại.
Đồng thời còn có 205 bao nguyên liệu sản xuất phân bón, 733kg phân bón, 2.233 chai phân bón lá, 33 thùng phân trung lượng, 260kg vỏ hộp và nhãn phân bón... các loại.
Sau khi xác minh, làm việc, ông Lâm Duy Ánh - giám đốc công ty trên - đã thừa nhận sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng để đưa ra thị trường tiêu thụ.
Thiệt hại lớn,đền bù nhỏ
Khó xử lý Theo số liệu của thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, năm 2014 đơn vị này đã xử phạt 53 trường hợp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng với số tiền gần 250 triệu đồng. Đáng chú ý, trong số 58 mẫu phân bón đưa đi kiểm nghiệm có đến 42 mẫu vi phạm. Riêng tại tỉnh Long An, mới đây cơ quan chức năng đã kiểm tra và phát hiện 50 bao phân bón kali giả hoàn toàn tại huyện Thủ Thừa. Ông Nguyễn Chí Cường, phó chánh thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết khó khăn hiện tại là những văn bản về vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có sự chồng chéo và thiếu thống nhất nên việc thanh tra, kiểm tra có phần hạn chế. Đơn cử như việc thanh tra, kiểm tra lấy mẫu để gửi đi xét nghiệm. Thông thường khoảng 20 ngày mới có kết quả trong khi đó thì chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh đã nhanh chóng tẩu tán số sản phẩm giả, kém chất lượng này ra thị trường. Còn ông Nguyễn Văn Đồng, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho rằng việc lấy mẫu kiểm nghiệm để xác định phân bón giả hiện nay rất bất hợp lý. Những mẫu phân bón nghi ngờ giả, kém chất lượng thì quản lý thị trường lấy mẫu đi kiểm nghiệm. Dù mẫu không đạt nhưng doanh nghiệp không đồng ý thì phải lấy mẫu khác đưa đi kiểm nghiệm, nếu mẫu mới này kiểm nghiệm đạt chất lượng thì không thể xử lý được. N.TÀI - T.TÚ - S.LÂM |
Bà Lưu Thị Tuyết Hoa (xã Phú Hưng, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) có hơn 20 năm trồng bắp nhưng cũng khóc ròng do sử dụng phải thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng.
Đó là vụ bắp vào cuối năm 2013. Sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để trừ sâu hại nhưng không ngờ đối tượng bị tiêu diệt lại là ruộng bắp với diện tích 1.300m2.
“Sau mấy ngày phun thuốc, bắp chuyển sang màu trắng nhạt rồi sang màu tím bầm, lan từ ngọn cây tới gốc. Tui tưới nước liên tục với hi vọng rửa thuốc cây sẽ phục hồi. Ai ngờ cây bị suy rồi lụn bại hết. Bao nhiêu công sức, tiền bạc cũng không còn” - bà Hoa nhớ lại.
Theo ước tính của bà Hoa, trung bình một vụ bắp bà thu lời 7-8 triệu đồng nhưng vụ bắp thất bát này bà không thu được trái nào. Sau nhiều lần phản ảnh với đại lý thuốc bảo vệ thực vật, bà Hoa được hỗ trợ 2 triệu đồng tiền vốn.
“Giá đền bù chỉ đủ tiền giống, phân bón, còn thiệt hại do trễ thời vụ, công sức chăm bón thì không được nhắc tới. Thời điểm đền bù quá trễ, tôi không thể đầu tư lại vụ mới nữa” - bà Hoa nói thêm.
Mua cùng một đại lý phân phối thuốc bảo vệ thực vật, cùng nhãn hiệu thuốc như bà Hoa, ông Lê Văn Thâm (hàng xóm của bà Hoa) cũng ngậm ngùi nhìn đám bắp 1.000m2lụi tàn mà không thu được trái nào.
Do không biết phản ảnh với ai nên ông Thâm đã đốn sạch đám bắp bị hư hại. Nghe tin đám bắp của bà Hoa bị thiệt hại có những đặc điểm tương tự như đám bắp của mình nên ông Lê Văn Thâm quyết định mời doanh nghiệp sản xuất loại thuốc bảo vệ thực vật này cùng đại diện UBND xã đến khảo sát ruộng bắp của gia đình. Sau đó ông cũng được hỗ trợ 2 triệu đồng từ phía doanh nghiệp.
Theo ông Thâm, rất khó phân biệt thuốc thật, thuốc giả. Phân bón kém chất lượng còn khó phân biệt gấp vạn lần.
“Mỗi khi thấy bắp bị bệnh thì cứ lấy kinh nghiệm ra “xài”, thấy sản phẩm đúng tên, đúng bao bì thì mua chứ ít khi nào để ý tem, nhãn hoặc những dấu hiệu nhận biết khác” - ông Thâm nói.
Hoa mắt với nhãn hiệu
Theo Bộ Công thương, hiện cả nước có trên 6.000 tên phân bón và trên 3.700 tên thuốc bảo vệ thực vật đủ loại. Số lượng quá nhiều trên thị trường nên nông dân rất khó để phân biệt thật - giả, khi mua về sử dụng biết cây trồng bị ảnh hưởng thì đã muộn.
Ông Nguyễn Tấn Phong (xã Ngọc Chúc, Giồng Riềng, Kiên Giang) cho biết chưa từng thấy lúc nào trên thị trường lại có nhiều sản phẩm phân bón như hiện nay, nhất là phân bón lá. Giữa một “rừng” nhãn hiệu như vậy, cộng với đủ thứ chiêu khuyến mãi, mời chào nên nông dân rất dễ gặp phải phân dỏm, phân kém chất lượng.
“Vụ đông xuân năm ngoái, mua phải phân bón lá thiếu chất lượng nên năng suất chỉ hơn phân nửa so với bình thường. Tui khiếu nại với đại lý thì họ nói để họ báo cho công ty sản xuất. Nhưng rồi đâu thấy ai hỗ trợ, bồi thường gì cho mình” - ông Phong kể.
Không những nông dân mà ngay cả các đại lý vật tư nông nghiệp cũng khó phát hiện đâu là phân bón thật, đâu là phân bón giả do công nghệ làm giả rất tinh vi.
Ông Trần Văn Tín - chủ đại lý phân bón Tín Ngân ở xã Ngọc Chúc - cho biết lúc vào vụ sản xuất, mỗi ngày mình tiếp cả chục nhóm tiếp thị phân bón, thuốc trừ sâu, nhiều nhất vẫn là phân bón lá các loại.
Theo ông Tín, chính các đại lý cũng không thể biết phân nào tốt, phân nào thật, chất lượng thế nào, chỉ sau khi bà con nông dân trực tiếp sử dụng rồi phản ảnh thì mới biết. Lãnh đạo một công ty phân bón còn cho hay ngay cả chuyên gia về đất hay phân bón cũng phải lóa mắt trước một rừng các loại phân bón như hiện nay.
Theo Đ.Vịnh - N.Tài - L.Dân - K.Nam