Đầu mùa thu năm ngoái, khi giá dầu mới giảm khoảng 25 USD/thùng và rõ ràng là đà giảm giá dầu này sẽ còn kéo dài, một câu hỏi lớn đặt ra là liệu giá dầu sẽ còn giảm đến khi nào.
Điều này phụ thuộc vào việc liệu Ả Rập Xê Út và các thành viên OPEC có hỗ trợ giá dầu bằng cách cắt giảm sản lượng hay không và khi nào thì họ sẽ làm vậy.
Đến mùa đông, thế giới đã có câu trả lời khi Ả Rập Xê Út đã cho thấy rõ ràng, qua những tuyên bố và hành động, rằng họ muốn Mỹ và các nhà sản xuất khác phải cắt giảm sản lượng trước khi xem xét giảm sản lượng khai thác của chính mình.
Đây là hồi kết cho Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) như là một tổ chức đầy quyền lực mà mọi người biết đến, và điều này sẽ khiến thị trường dầu mỏ thế giới tiếp tục bất ổn trong một thời gian nữa.
Trong phiên 13/1, giá dầu tiếp tục giảm sau khi Bộ trưởng dầu mỏ Tiểu Vương quốc Các nước Ả Rập Thống nhất (UAE) tuyên bố OPEC sẽ không thay đổi sản lượng khai thác dầu.
Thị trường dầu mỏ sẽ tự điều chỉnh theo tình hình mới hiện nay, nhưng tốc độ thay đổi sẽ không nhanh. Hầu hết sự thay đổi sẽ phải bắt nguồn từ việc sản lượng giảm bởi vì sức tiêu thụ phụ thuộc phần lớn vào mức độ sử dụng dầu hiện nay của các phương tiện giao thông, mà điều này thì không thể thay đổi trong ngắn hạn.
Sự điều chỉnh của thị trường sẽ phải đến từ nguồn cung dầu mỏ khi khu vực khai thác dầu chi phí thấp có thể buộc các mỏ dầu có chi phí cao phải ngừng hoạt động sớm hơn dự kiến và khiến nhiều dự án khai thác dầu bị bỏ dở.
Phần lớn nguồn cung mới trên thị trường dầu mỏ đến từ khu vực khai thác dầu đá phiến của Mỹ và khai thác dầu cát của Canada, hai khu vực thuộc dạng khó khai thác nhưng đã được giải quyết nhờ những công nghệ khai thác mới mang tính cách mạng cho nghành công nghiệp dầu mỏ. Cả 2 khu vực này đều có chi phí khai thác cao nhưng lại có điểm bất đồng rất rõ ràng.
Các dự án khai thác dầu cát của Canada đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất lớn để triển khai nhưng chi phí cận biên để duy trì hoạt động sau đó lại thấp. Sau khi triển khai, sản lượng sản xuất của những dự án này không thay đổi nhiều. Ngược lại, sản lượng tại các mỏ dầu đá phiến chỉ nhiều trong năm đầu tiên và đây là nguyên nhân chính tác động đến giá dầu. Do đó, một sự sụt giảm mạnh trong nguồn cung dầu thế giới có thể đến từ Mỹ khi nước này cắt giảm sản lượng khai thác dầu đá phiến.
Sự điều chỉnh này đã được bắt đầu và nó sẽ làm giảm số dự án khai thác dầu trong cuối năm nay và sau đó. Tuy nhiên, trong tương lai gần thì sản lượng sản xuất dầu tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng cho đến khi những mỏ dầu bắt đầu khai thác từ năm ngoái cạn kiệt. Hiện tại, lượng cung dầu sẽ tiếp tục vượt quá lượng cầu, và lượng dự trữ dầu và các sản phẩm liên quan, vốn đã ở mức cao kỷ lục, sẽ tiếp tục tăng lên nữa. Vì vậy, sẽ dễ hiểu khi giá dầu có thể tiếp tục giảm trong ngắn hạn.
Trong một vài quý tới, viễn cảnh sẽ bắt đầu có thay đổi. Về phía cầu, giá dầu thấp sẽ làm suy giảm nhu cầu đối với những sản phẩm tiêu thụ ít nhiên liệu. Giá nhiên liệu ở mức cao trong vài năm qua đã khiến các hãng hàng không đặt hàng các máy bay tiết kiệm nhiên liệu và khiến người tiêu dùng ưa chuộng những loại xe tiết kiệm nhiên liệu hơn. Tuy nhiên vào cuối năm ngoái, các hãng hàng không đã hủy đơn đặt hàng mới đối với các máy bay tiết kiệm nhiên liệu và doanh số tiêu thụ của những loại xe tốn xăng như SUV hay xe tải loại nhẹ đã tăng mạnh.
Những tác động từ việc giá dầu giảm như ở trên là có giới hạn. Điều này sẽ không làm thay đổi xu hướng của thế giới về việc tiết kiệm nhiên liệu mà chỉ trì hoãn một số thay đổi. Việc điều chỉnh sự mất cân đối trên thị trường dầu thế giới sẽ phải bắt nguồn từ việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu toàn cầu.
Giá dầu có lẽ sẽ phục hồi sau đà giảm của mùa đông năm nay bất chấp sự tiếp tục gia tăng sản xuất dầu tại Bắc Mỹ. Tuy nhiên, để hạn chế các nhà sản xuất dầu chi phí cao trong dài hạn thì giá dầu cần ở mức thấp hơn hơn nhiều so với mức 100 USD/thùng mà đã kéo dài tới mùa hè năm ngoái.
Nếu giá dầu giữ ở mức thấp, các tác động của nó đến nền kinh tế và địa chính trị thế giới sẽ vô cùng lớn và đa dạng. Ngay cả nếu trong vài năm tới, giá dầu hồi phục lại mức 60-70 USD/thùng từ mức giá hiện tại thì doanh thu từ dầu - cũng chính là mức chi phí của người tiêu dùng cho dầu mỏ - sẽ suy giảm hơn 1 nghìn tỷ USD/năm so với mức của mùa hè năm ngoái.
Một số tác động từ giá dầu giảm sẽ là tích cực, một số lại là tiêu cực. Đối với Nga, quốc gia có ngân sách phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ, sự sụt giảm giá dầu là một thảm họa tài chính. Tỷ giá của đồng Rúp đã giảm đi một nửa. Những tổ chức khủng bố tại Trung Đông thì tự trang bị vũ khí cho mình nhờ nguồn thu từ dầu mỏ. Tại Mỹ, sự phát triển của các mỏ khai thác dầu đá phiến thường được đầu tư bởi nguồn vốn tín dụng của ngân hàng hay từ nguồn vốn trái phiếu lãi suất cao. Rất nhiều dự án đầu tư bởi nguồn vốn tín dụng như trên có thể lâm vào tình trạng vỡ nợ.
Những tác động tích cực của giá dầu thấp là rõ ràng khi chúng thúc đẩy tiêu dùng trên thế giới vào thời điểm rất đúng lúc khi nhiều quốc gia đang rất cần có các chính sách kích thích kinh tế.