Nhằm bảo vệ thị phần trước những đối thủ trên thị trường dầu mỏ, OPEC đã quyết định không cắt giảm sản lượng bất chấp giá dầu giảm. Chiến lược của OPEC là giữ giá dầu thấp trong thời gian dài khiến các nhà sản xuất dầu khác phải giảm sản lượng, nhờ đó OPEC có thể giữ thị phần dầu mỏ của mình. Tổ chức này hiện đang chiếm 40% thị phần dầu mỏ thế giới.
Giá dầu mỏ giảm mạnh
Tuy nhiên, một báo cáo của WB cho thấy sự khó khăn trong việc duy trì một định chế kiểm soát hàng hóa dưới áp lực của thị trường và khoa học kỹ thuật.
Theo WB, sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, một số thỏa thuận đã được thiết lập nhằm đảm bảo sự ổn định cho việc giao dịch các hàng hóa bao gồm: lúa mì, đường, thiếc, cà phê và dầu ô liu. Các quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu những mặt hàng này thường đàm phán với nhau để bình ổn mức giá. Tuy nhiên, tất các những thỏa thuận trên đều tan rã ngoài trừ OPEC - một tổ chức được thành lập năm 1960 và dẫn đầu bởi Ả Rập Xê Út.
Trong ngành thiếc, hệ thống định giá kim loại này được hình thành vào năm 1954. Trước đây, thiếc thường được dùng để bọc thức ăn thừa hoặc để đóng lon nước giải khát. Tuy nhiên, hiện nay mọi người hay dùng aluminium hơn bởi kim loại này nhẹ và ít bị ăn mòn hơn. Theo WB, sự trỗi dậy của aluminium đã khiến hệ thống định giá thiếc tan rã vào năm 1985.
Giá thiếc
Một ví dụ khác là ngành cao su tự nhiên. Tổ chức các nước sản xuất cao su tự nhiên được thành lập vào năm 1979 bởi Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Cuối thập kỷ 90, giá cao su tính theo USD đã giảm do nhu cầu yếu cũng như tác động từ khủng hoảng tài chính Châu Á. WB cho rằng các nhà sản xuất lẽ ra nên cắt giảm sản lượng tại thời điểm trên. Tuy nhiên, việc giảm giá mạnh của đồng nội tệ của các nước thành viên đã khiến giá cao su tăng lên, dẫn đến việc gia tăng sản lượng sản xuất tại các nước này. Hậu quả là tổ chức các nước sản xuất cao su đã tan rã vào năm 1999.
Giá cao su thế giới
Quay trở lại với ngành dầu mỏ, OPEC đã có ảnh hưởng mạnh trên thị trường những năm 70 khi giá dầu tăng. Tuy nhiên, WB nhận định sự gia nhập của các nhà cung cấp mới và mâu thuẫn giữa các thành viên OPEC sẽ làm xói mòn ảnh hưởng của tổ chức này trong 2 thập kỷ tới. Theo WB, vai trò kiểm soát thị trường của OPEC không thật sự rõ ràng. Ả Rập Xê Út chỉ can thiệp thị trường dầu mỏ vài lần trong một thời gian dài.
WB thừa nhận rằng những nhà sản xuất dầu mỏ khác như Mỹ hay nguồn nhiên liệu sinh học thay thế có thể là xu hướng mới cho thị trường dầu mỏ.
Mặc dù vậy, WB đánh giá OPEC không bị chi phối bởi những luật lệ can thiệp vào thị trường như những tổ chức hàng hóa khác. Vì vậy, tổ chức này có tính linh hoạt hơn khi tác động đến thị trường dầu mỏ.
Giám đốc Benn Steil của tổ chức Council on Foreign Relations cho biết nhiều nhà đầu tư đã nhận định OPEC sẽ tan rã khi giá dầu giảm mạnh tại thập kỷ 80. Tuy nhiên, tổ chức này vẫn còn tồn tại đến ngày nay bởi họ được bù đắp khi giá dầu tăng trở lại.