Ba xe khách chất đầy hàng nhập lậu vừa bị lực lượng trinh sát của Cục Quản lý thị trường, Tổng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về trật tự xã hội và Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang chặn đứng khi đang vận chuyển hàng hóa các loại từ Móng Cái, Quảng Ninh về Hải Phòng, Hà Nội. Hơn 10 tấn hàng gồm thực phẩm, đồ điện tử, đồ chơi trẻ em, ước tính trị giá khoảng 1 tỷ đồng đã bị tạm giữ. Chủ hàng không xuất trình được bất kỳ hóa đơn chứng từ nào.
Theo lực lượng Quản lý thị trường, có nhiều dấu hiệu cho thấy đây là đường dây vận chuyển hàng nhập lậu có quy mô lớn, từ biên giới Móng Cái - Quảng Ninh vào sâu các tỉnh nội địa để tiêu thụ.
Ông Thân Đức Công - Trưởng phòng phụ trách tổ kiểm tra cơ động thị trường, Cục Quản lý thị trường cho biết: “Thủ đoạn vận chuyển hàng lậu tinh vi, chúng dùng xe khách dỡ bỏ ghế, hàn gắn thêm nhiều vách ngăn để cất giấu hàng. Vận chuyển nhiều thời điểm ban đêm”.
Tại địa bàn tỉnh Bắc Giang, mặc dù không giáp biên nhưng có tuyến quốc lộ huyết mạch 1A đi qua, theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường Bắc Giang, nửa tháng gần đây đã kiểm tra phát hiện 10 vụ vận chuyển hàng nhập lậu qua địa bàn, thu giữ hàng tấn ô mai, hạt dẻ, hàng tạp hóa, máy móc thiết bị.
Ông Trần Ngọc Sang - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Bắc Giang nhận định: “Số lượng hàng lậu phát hiện tăng hơn so với năm ngoái, còn hàng giả chưa nhiều. Hàng lậu trên tuyến chủ yếu vận chuyển từ Lạng Sơn về”.
Theo ông Sang, đối tượng vận chuyển hàng lậu còn bố trí người theo dõi khiến lực lượng chức năng gặp khó khi trinh sát, truy bắt.
Cũng trong ngày hôm nay, Chi cục QLTT Hà Nội đã phát hiện 6 cơ sở kinh doanh tại chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội buôn bán hàng giả. Trên 100.000 mét vải được kiểm tra đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, toàn bộ số hàng này đều mang hình dạng, màu sắc đặc trưng của các nhãn hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ như Chanel, Burberry, Gucci, CK… Thế nhưng, toàn bộ đều là hàng giả được sản xuất tại Trung Quốc.
Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14 (Hà Nội) nói: “Chúng tôi đang tập trung xử lý hàng giả ngay từ gốc, tức là từng nguyên liệu đầu vào, chứ không để các sản phẩm vải giả này đi tiêu thụ may mặc thành áo, quần rồi mới đi xử lý”.
Theo tìm hiểu, trung bình mỗi mét vải thường có giá từ 30.00-40.000 đồng, nhưng khi giả các thương hiệu nổi tiếng thì giá bán đã tăng gấp đôi. Trước khi bị phát hiện, các cơ sở kinh doanh này đã kịp tung ra thị trường hàng chục nghìn mét vải giả cho các cơ sở may mặc.
Theo Nhóm PV Bản tin TC