Từ Báo Đáp (xã Hồng Quang, H. Nam Trực, Nam Định) mỗi năm có hàng triệu đèn ông sao được xuất đi mọi miền đất nước. Là sản phẩm thủ công truyền thống nổi bật nuôi sống cả một làng nghề nhưng cho đến nay người dân nơi đây vẫn đau đáu một nỗi buồn về chiếc đèn ông sao!
Nghề gắn bó máu thịt
Xuôi theo quốc lộ 21 chừng 15 km, những ngày thu chúng tôi tìm về làng Báo Đáp- làng nghề duy nhất còn làm đèn ông sao mỗi dịp Trung Thu về. Làng Báo Đáp có 7 thôn thì thôn nào cũng có gia đình làm đèn. Con đường nhỏ dẫn vào làng ngổn ngang những tre nứa, cây đay, đèn ông sao phơi nắng…
Ngay từ tháng Giêng người dân Báo Đáp đã rậm rịch làm đèn, đến tháng 7-8 bắt đầu xuất đi các nơi. Mỗi năm làng sản xuất chừng 2 triệu đèn, hộ làm nhỏ cũng chừng vài nghìn, còn những hộ làm lớn mỗi mùa Trung Thu sản xuất cả hàng chục vạn đèn ông sao.
Ông Vũ Văn Họa (65 tuổi, xóm 4 Báo Đáp) có hơn 50 năm gắn bó với nghề làm đèn ông sao cho biết, từ những năm 50 -60 của thế kỉ trước gia đình ông đã làm nghề này. Những chiếc đèn thô sơ rong ruổi ở khắp các chợ phiên Bắc –Nam ngày đấy nay đã được hoàn thiện, mẫu mã bắt mắt hơn.
Nói về truyền thống làm đèn ông sao, ông Họa chỉ biết đây là nghề gia truyền của gia đình, của làng Báo Đáp chứ không biết nghề có từ bao giờ. Ngay từ nhỏ ông Họa đã biết làm đèn ông sao với những vật liệu đơn giản như: tre nứa, giấy bóng kính và thân cây đay làm cán.
Ông Họa cho biết, để làm được một đèn ông sao phải trải qua trên dưới 30 công đoạn. Đầu tiên vót tre, cắt đay, in hoa văn màu sắc trên giấy bóng sau đến cắt khung, làm xương đèn, lắp cán... Ở mỗi công đoạn đều kì công và đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ thủ công.
Đèn ông sao được chia làm 3 loại: Loại lớn có đường kính 50cm trở lên, loại vừa 40cm và loại nhỏ là dưới 30cm. Làm các loại đèn có đường kính lớn đòi hỏi người thợ phải khéo léo hơn trong từng công đoạn.
Mỗi năm gia đình ông Họa làm khoảng 10 vạn đèn ông sao, xuất đi khắp các tỉnh miền Nam, miền Trung nhưng lớn nhất vẫn là thị trường phía Bắc. Giá đèn xuất buôn dao động từ 3.000 -5.000 đồng/chiếc, bán lẻ từ 6000 – 10.000 đồng/chiếc.
“Đây là nghề gia truyền của tổ tiên chúng tôi, người dân Báo Đáp gắn bó máu thịt với nghề làm đèn bởi đây là nguồn thu nhập chính, nuôi sống làng nghề suốt bao năm qua. Dù cuộc sống hiện đại nhiều món đồ chơi Trung Thu sẽ hấp dẫn hơn nhưng số lượng đèn ông tiêu thụ vẫn không hề giảm”, ông Họa nói.
Được biết, gia đình ông Họa là hộ làm đèn ông sao có quy mô lớn nhất ở Báo Đáp, thu nhập từ nghề này khoảng vài trăm triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông Họa còn thuê hàng trăm lao động thời vụ phụ giúp những lúc có nhiều đơn đặt hàng.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Bông (51 tuổi, thôn 4) cũng có thâm niên 40 năm làm đèn ông sao. Năm nay gia đình bà Bông dự kiến xuất đi chừng 5 vạn đèn, vì vậy những ngày này cả đại gia đình cùng phải tập trung hết sức cho tháng cao điểm. Bà Bông cho biết, cả gia đình sống nhờ nghề làm đèn ông sao suốt mấy chục năm qua, tuy có những năm thua lỗ nhưng vẫn sống lo đủ, con cái lớn khôn, thành đạt.
“Suốt mấy chục năm qua đèn ông sao của Báo Đáp đã đi khắp các tỉnh thành từ Nam ra Bắc trở thành món đồ chơi yêu thích của thiếu nhi mỗi dịp Trung Thu về đó là niềm vui duy nhất mà chúng tôi cảm thấy phần nào an ủi bên cạnh những hỗn độn của cuộc sống, những bấp bênh của làng nghề”, bà Bông tâm sự.
Đèn ông sao thực chất chỉ là gia công cho Trung Quốc?
Gắn bó máu thịt là thế nhưng chính người dân Báo Đáp lúc nào cũng khắc khoải một bài toán làm sao để tự chủ, làm sao để vượt lên thoát khỏi lệ thuộc vào Trung Quốc. Nhiều người dân ở làng Báo Đáp chỉ coi mình là những người thợ gia công bởi lẽ sản phẩm đèn ông sao của họ được làm ra mọi công đoạn đều nhập Từ Trung Quốc từ giấy bóng kính, giấy kim tuyến đến các nguyên liệu để in ấn hoa văn.
“Mang tiếng là sản phẩm thủ công truyền thống của làng nghề nhưng thực thì chúng tôi chỉ là những người gia công sản phẩm chỉ duy nhất khung tre là người dân tự làm”, anh Nguyễn Đông Dương (43 tuổi, xóm 1 Báo Đáp) chia sẻ.
Theo anh Dương không phải người dân Báo Đáp không muốn tự chủ nguyên liệu để tạo ra một chiếc đèn ông sao thuần túy Việt Nam. Dù đã nhiều lần thử sức trong bài toán đẩy lùi yếu tố Trung Quốc ra khỏi sản phẩm truyền thống thuần Việt đèn ông sao nhưng người dân Báo Đáp vẫn thất bại.
Anh Dương giải thích anh cùng nhiều người dân làng nghề đã nhiều lần chuyển sang dùng các nguyên liệu giấy bóng kính, in hoa, kim tuyến của Việt Nam nhưng khi hoàn thành chiếc đèn có giá thành cao hơn từ 1.000 – 2.000 đồng, mẫu mã kém hơn so với sử dụng nguyên liệu Trung Quốc. Hơn nữa,việc sử dụng nguyên liệu Việt đẩy giá lên cao khiến việc tiêu thụ gặp khó khăn đáng kể.
Được biết, người dân Báo Đáp chủ yếu lấy nguyên liệu làm đèn ông sao từ các đại lý buôn lớn. Theo các đại lý này, giá các loại giấy bóng kính, in hoa, kim tuyến nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc chỉ rẻ bằng nửa so với trong nước nhưng màu sắc lại sắc nét. Cụ thể, việc cắt khuôn giấy, kim tuyến đều do phía Trung Quốc chuyên môn hóa, vì vậy người dân chỉ cần mua về và dán keo vào khung tre là thành một chiếc đèn.
Như vậy, thay vì phải tự mình làm tất cả 30 công đoạn thì việc nhập nguyên liệu từ Trung Quốc đã giúp người thợ thủ công giảm đi sự mệt nhọc đáng kể.
“Xét về lợi ích kinh tế thì nguyên liệu Trung Quốc thắng thế nhưng nói về truyền thống làng nghề chúng tôi vẫn muốn nội địa hóa mọi công đoạn, nguyên liệu để chiếc đèn ông sao được bán ra sẽ chứa đựng những tinh hoa văn hóa, sự khéo léo, kỳ công của người thợ thủ công Việt. Khi đó sẽ không bị mang tiếng chỉ là gia công sản phẩm cho Trung Quốc”, anh Dương nói.
Anh Nguyễn Văn Kháng có thâm niên 30 năm trong nghề cho rằng việc sản phẩm thủ công truyền thống của một làng nghề có lịch sử lâu đời lại có tiếng là gia công là một nỗi buồn lớn của nghề. Đây là bài toán lớn nhất trong nhiều năm qua của các thế hệ gắn bó với làng nghề làm đèn ông sao Báo Đáp khi ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam còn chưa thực sự chú ý đến thủ công nghiệp.
Trao đổi với PV về việc này, ông Quang hiện là Phó chủ tịch xã Hồng Quang (H. Nam Trực, Nam Định) cho biết hiện nay Báo Đáp có khoảng 500 hộ làm đèn, mỗi năm sản xuất chừng 2 triệu chiếc. Theo ông Quang, từ nhiều năm nay người dân Báo Đáp đã nhập nguyên liệu sẵn từ Trung Quốc về lắp ráp thành đèn ông sao. Việc này giảm bớt các công đoạn, hạ giá thành sản phẩm nên đem lại lợi ích kinh tế lớn.
Nói về việc nội địa hóa sản phẩm thủ công truyền thống đèn ông sao ông Quang cho rằng hiện nay xã chưa có một chủ trương, định hướng gì về sự phát triển của làng nghề. “Nghề làm đèn ông sao ở Báo Đáp trước nay vẫn phát triển tự phát, tự xoay xở để phát triển chúng tôi chưa có hỗ trợ cũng như không can thiệp vào việc làm ăn của làng nghề”, ông Quang nói.
>>> Vì sao đèn lồng 'Hoàng Sa, Trường Sa thắng lớn"
Hướng Dương