Tính đến phiên giao dịch ngày 23/7, giá vàng đã giảm 10 phiên liên tiếp, chuỗi phiên giảm dài nhất kể từ tháng 9/1996, tức 20 năm.
Tại sao vàng lại đang mất đi ánh hào quang của mình? Dưới đây là 3 lý do chính.
1. Đồng USD tăng
Đồng USD lên giá khiến các hàng hóa định giá bằng đồng tiền này giảm do trở nên đắt hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác. Đây là một tác động kép đối với vàng do kim loại này được coi là một công cụ phòng ngừa lạm phát và phòng ngừa sự mất giá của đồng tiền.
Trong những tháng tới, đồng USD được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng.
2. Trung Quốc, Iran & Hy Lạp
Vàng giảm mạnh phiên đầu tuần này sau khi ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố báo cáo cập nhật hiếm hoi về dự trữ vàng của nước này. Số liệu cho thấy nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới này đã dự trữ vàng ít hơn dự kiến, khiến nhà đầu tư lo ngại.
Vàng cũng rớt giá do căng thẳng tại Châu Âu và Trung Đông lắng dịu. Thỏa thuận hạt nhân của Iran với các cường quốc phương Tây đã xoa dịu lo ngại về một vụ xung đột tại khu vực Trung Đông, sau khi chính tâm lý lo ngại đó đã hỗ trợ giá vàng trước đây.
Tương tự, việc Hy Lạp đạt được thỏa thuận với các chủ nợ vào phút chót đã cho phép nước này được ở lại khu vực đồng Euro. Nhà đầu tư không còn đồn đoán về khả năng Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung nữa.
3. Lạm phát xa vời
Gần như không có tâm lý lo ngại về lạm phát. Khi giá vàng vượt 1.900 USD vào tháng 9/2011, một số nhà đầu tư đã mua vào vì họ sợ chính sách in tiền của Mỹ sẽ gây ra lạm phát. Nhưng lạm phát hiện tại vẫn đang thấp hơn mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau nhiều năm mua trái phiếu với khối lượng khồng lồ và dù lãi suất hiện vẫn ở mức cực thấp.
"Trong 5.000 năm qua, vàng đã là công cụ bảo toàn giá trị và sẽ vẫn như thế khi có lạm phát. Nhưng giờ đây không hề có lạm phát," theo nhận định của ông George Gero, phó chủ tịch mảng thị trường kỳ hạn toàn cầu của hãng RBC Capital Markets.
Thực tế, sự sụt giảm của giá các loại hàng hóa đang kéo lạm phát xuống và cũng kiềm chế kỳ vọng lạm phát. Mọi thứ, từ cà phê đến đường, đậu tương đến dầu thô, đều đang giảm giá. Các kim loại công nghiệp như đồng, nhôm đã quay lại đà giảm trong những ngày gần đây do kinh tế toàn cầu tăng trưởng yếu khiến nhu cầu giảm trong khi nguồn cung vẫn dư thừa. Tất cả những yếu tố đó đang tạo ra một môi trường lạm phát thấp và làm cho vàng không thể tỏa sáng.
Liệu giá vàng có tuột ngưỡng 1.000 USD/oz?
Câu hỏi lớn hiện nay là điều gì sẽ xảy ra khi Fed bắt đầu tăng lãi suất, dự kiến là vào tháng 9 năm nay.
Lãi suất tăng sẽ khiến đồng USD tăng giá, theo đó sẽ tạo thêm áp lực cho giá vàng.
Đó là lý do chính hãng Goldman Sachs tuần qua cảnh báo giá vàng có thể sẽ giảm xuống dưới ngưỡng 1.000 USD/ounce lần đầu tiên kể từ năm 2009.
Tuy nhiên, có một số người tin rằng giá vàng sẽ hồi phục, ít nhất là trong ngắn hạn, do đã phản ánh vào giá việc đồng USD lên giá rồi.